Căn cứ thực hiện

- Điều 1,2,3,4,5 Điều lệ Đảng;

- Mục 1, 3, 4 Quy định số 24-QĐ/TW ngày 30/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII)

Mục 1, 3 Hướng dẫn số 01-HD/TW ngày 28/9/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XIII).

- Mục 1, phần I của Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW ngày 18/01/2022 của Ban Tổ chức Trung ương

1. Tiêu chuẩn kết nạp đảng viên

Người vào Đảng phải là quần chúng ưu tú có đủ tiêu chuẩn theo quy định của Điều lệ Đảng, cụ thể: 

1.1. Về tuổi đời: Tại thời điểm chi bộ xét kết nạp, người vào Đảng phải đủ 18 tuổi đến đủ 60 tuổi (tính theo tháng). Chỉ xem xét kết nạp vào Đảng những người trên 60 tuổi khi đủ điều kiện theo điểm1.1 mục 1 Hướng dẫn số 01-HD/TW ngày 28/9/2021.

1.2. Về trình độ học vấn: Phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên.Đối với người vào Đảng đang sinh sống ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…thực hiện theo điểm 1.2 mục 1 Hướng dẫn số 01-HD/TW ngày 28/9/2021.

1.3. Về tiêu chuẩn chính trị: Thực hiện theo Quy định số 58-QĐ/TW, ngày 8/2/2022 của Bộ Chính trị “Một số vấn đề bảo vệ chính trị nội bộ Đảng”.

1.4. Về kết quả rèn luyện, phấn đấu của người vào Đảng:

- Đối với người vào Đảng là cán bộ, công chức, viên chức: Hoàn thành tốt nhiệm vụ, đạt danh hiệu “lao động tiên tiến” trở lên.

- Đối với người vào Đảng là học sinh, sinh viên: Kết quả học tập từ loại khá trở lên; hạnh kiểm tốt; tích cực hoạt động phong trào Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTN, Hội sinh viên và các phong trào xã hội khác do nhà trường tổ chức, được học sinh, sinh viên tín nhiệm.

* Lưu ý: Kết nạp đảng viên là người Hoa, người có đạo, người vi phạm chính sách kế hoạch hóa gia đình… thực hiện theo quy định (cấp ủy cơ sở liên hệ với Ban Tổ chức Đảng ủy Khối để được hướng dẫn cụ thể đối với những trường hợp này).

2. Quy trình kết nạp đảng viên

2.1. Xây dựng & thực hiện kế hoạch (theo Điểm 1.1, mục 1, phần I của Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW ngày 18/01/2022 của Ban Tổ chức Trung ương).

2.2. Cấp ủy xem xét cho tham gia Bồi dưỡng nhận thức về Đảng.

2.3. Cấp ủy xem xét cho làm thủ tục; phân công đảng viên chính thức giúp đỡ.

2.4. Người vào Đảng tham gia bồi dưỡng nhận thức về Đảng.

2.5. Cấp ủy thẩm tra lý lịch người vào Đảng.

2.6. Chi bộ, đảng ủy xét, đề nghị Đảng ủy Khối.

2.7. Ban thường vụ Đảng ủy Khối xem xét, ra quyết định kết nạp.

2.8. Chi bộ tổ chức kết nạp đảng viên.

3. Thủ tục, hồ sơ xem xét kết nạp đảng viên (kể cả kết nạp lại)

3.1. Bồi dưỡng nhận thức về Đảng

Người vào Đảng phải học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng và được cấp có thẩm quyền kết nạp đảng viên cấp Giấy chứng nhận.

* Lưu ý: Thời hạn Giấy chứng nhận có giá trị 60 tháng; trường hợp bị mất, hư hỏng đề nghị đơn vị tổ chức lớp bồi dưỡng cấp lại. Việc cấp lại phải có đơn của người làm mất giấy chứng nhận và xác nhận của cấp ủy cơ sở.

3.2. Đơn xin vào Đảng

Người vào Đảng phải tự làm đơn (theo mẫu 1-KNĐ), trình bày rõ những nhận thức của mình về mục đích, lý tưởng của Đảng, về động cơ xin vào Đảng.

* Lưu ý: Ngày viết đơn phải trước ngày viết lý lịch xin vào Đảng.

3.3. Lý lịch của người vào Đảng

Người vào Đảng tự khai lý lịch trung thực, đầy đủ, rõ ràng, không tẩy xóa, sửa chữa; không viết cách dòng, đảm bảo theo quy định (tại Khoản 1.4.2, điểm 1.4, mục 1, phần I của Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW ngày 18/01/2022 của Ban Tổ chức Trung ương) và chịu trách nhiệm về nội dung đã khai.

3.4. Thẩm tra lý lịch của người vào Đảng

a) Những người cần thẩm tra về lý lịch gồm: Người vào Đảng; cha, mẹ đẻ, cha, mẹ vợ (chồng) hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng bản thân; vợ hoặc chồng, con đẻ của người vào Đảng có năng lực hành vi dân sự đầy đủ (gọi chung là người thân).

b) Nội dung thẩm tra, xác minh:

- Đối với người vào Đảng: Làm rõ những vấn đề về lịch sử chính trị và chính trị hiện nay; về chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống.

+ Đối với người thân: Làm rõ những vấn đề về lịch sử chính trị và chính trị hiện nay; việc chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

c) Phương pháp thẩm tra, xác minh:

- Nếu có người thân đang là đảng viên (trong lý lịch của người vào Đảng đã khai đầy đủ, rõ ràng, trung thực theo quy định): Không thẩm tra, (chỉ đối khớp lý lịch đảng viên) nhưng thẩm tra, xác minh về chính trị hiện nay và việc chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghĩa vụ của công dân nơi cư trú.

- Nếu người thân không phải là đảng viên: Thẩm tra, xác minh về lịch sử chính trị, chính trị hiện nay và việc chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nghĩa vụ của công dân nơi cư trú.

- Nếu người thân cùng sinh sống, làm việc tại quê quán, trong cùng tổ chức cơ sở Đảng thì chi ủy báo cáo chi bộ, chi bộ kết luận, cấp ủy cơ sở kiểm tra, ghi ý kiến, ký tên đóng dấu: Không thẩm tra riêng.

- Người thân của người vào Đảng ở nước ngoài: Cấp ủy nơi người vào Đảng báo cáo Đảng ủy Khối (bằng văn bản) để đề nghị cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xác nhận

- Người vào Đảng, người thân của người vào Đảng làm việc tại cơ quan, tổ chức nước ngoài: cấp ủy xác minh tại nơi làm việc và cơ quan an ninh quản lý, theo dõi tổ chức đó.

* Lưu ý:

- Lý lịch phải được cấp ủy cơ sở thẩm tra, kết luận trước khi ghi nội dung chứng nhận, ký tên, đóng dấu.

- Chi bộ, cấp ủy cơ sở chưa nhận xét, chưa chứng nhận, ký tên, đóng dấu vào lý lịch mà chỉ đóng dấu giáp lai vào tất cả các trang và ảnh trong lý lịch của người xin vào Đảng; gửi công văn đề nghị thẩm tra hoặc cử đảng viên đi thẩm tra lý lịch.

- Không được cử người vào Đảng hoặc người thân (bố, mẹ, vợ, chồng, anh, chị, em ruột, con đẻ, con nuôi) của người vào Đảng đi thẩm tra lý lịch.

3.5. Văn bản giới thiệu người vào Đảng

- Nghị quyết giới thiệu đoàn viên vào Đảng của BCH Đoàn cơ sở hoặc tập thể Chi đoàn cơ sở (là đoàn viên thanh niên) (theo Mẫu 4-KNĐ) hoặc BCH công đoàn cơ sở (là đoàn viên công đoàn) (theo Mẫu 4A-KNĐ).

- Văn bản giới thiệu đoàn viên vào Đảng của đảng viên chính thức, cùng công tác, lao động, học tập hoặc cùng sinh hoạt nơi cư trú ít nhất 12 tháng với người được giới thiệu vào Đảng và trong cùng một đơn vị thuộc phạm vi lãnh đạo của đảng bộ, chi bộ cơ sở.

Lưu ý: Nếu đảng viên giới thiệu người vào Đảng chuyển đến đảng bộ, chi bộ cơ sở khác, bị kỷ luật hoặc vì lý do khác không thể tiếp tục theo dõi, giúp đỡ người vào Đảng thì chi bộ phân công đảng viên chính thức khác theo dõi, giúp đỡ người vào Đảng (không nhất thiết đảng viên đó cùng công tác, lao động, học tập với người vào Đảng ít nhất 12 tháng).

3.6. Ý kiến nhận xét của tổ chức chính trị - xã hội nơi người vào Đảng sinh hoạt  (theo Mẫu 5A-KNĐ) và chi ủy nơi người vào Đảng cư trú (theo Mẫu 5B-KNĐ)

- Chi ủy hoặc bí thư chi bộ (nơi chưa có chi ủy) lấy ý kiến của đại diện tổ chức chính trị - xã hội mà người vào Đảng là thành viên và ý kiến nhận xét của chi ủy hoặc chi bộ (nơi chưa có chi ủy) nơi cư trú của người vào Đảng (trừ trường hợp đặc biệt theo quy định).

- Tổng hợp thành văn bản báo cáo chi bộ (theo Mẫu 5-KNĐ).

3.7. Nghị quyết của chi bộ và cấp ủy cơ sở xét kết nạp người vào Đảng (theo Mẫu 6-KNĐ)

- Chi bộ (kể cả chi bộ cơ sở) xem xét: đơn xin vào Đảng; lý lịch của người vào Đảng; văn bản giới thiệu của đảng viên chính thức; Nghị quyết giới thiệu đoàn viên BCH Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cơ sở (hoặc tập thể chi đoàn cơ sở) hoặc BCH Công đoàn cơ sở; bản tổng hợp ý kiến nhận xét của tổ chức chính trị - xã hội nơi người vào Đảng sinh hoạt và chi ủy hoặc chi bộ nơi cư trú.

- Nếu được hai phần ba số đảng viên chính thức trở lên đồng ý thì chi bộ ra nghị quyết đề nghị cấp ủy cấp trên xem xét, quyết định.

Ở những nơi có đảng ủy bộ phận thì đảng ủy bộ phận thẩm định nghị quyết của chi bộ về kết nạp đảng viên, báo cáo cấp ủy cơ sở (theo Mẫu 7-KNĐ).

- Đảng ủy cơ sở thảo luận, biểu quyết, nếu được 2/3 cấp ủy viên trở lên đồng ý thì ra nghị quyết (theo Mẫu 8-KNĐ) đề nghị Ban Thường vụ Đảng ủy Khối xét kết nạp.

3.8. Quyết định của cấp ủy có thẩm quyền kết nạp đảng viên

Sau khi nhận được hồ sơ đề nghị kết nạp của cấp ủy cơ sở. Ban Tổ chức Đảng ủy Khối thẩm định lại, trình Ban Thường vụ Đảng ủy Khối xét, ra quyết định kết nạp đảng viên.

3.9. Tổ chức lễ kết nạp đảng viên

a) Trang trí lễ kết nạp (nhìn từ dưới lên): Trên cùng là khẩu hiệu “Đảng cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm”, cờ Đảng, cờ Tổ quốc, tượng hoặc ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh (bên trái), ảnh Mác - Lênin (bên phải), tiêu đề: “Lễ kết nạp đảng viên”.

b) Chương trình buổi lễ kết nạp:

- Chào cờ (hát Quốc ca, Quốc tế ca).

- Tuyên bố lý do; giới thiệu đại biểu.

- Bí thư chi bộ hoặc đại diện chi ủy đọc quyết định kết nạp đảng viên của cấp ủy có thẩm quyền.

- Đảng viên mới đọc lời tuyên thệ.

- Đại diện chi ủy nêu rõ nhiệm vụ, quyền hạn của đảng viên, nhiệm vụ của chi bộ và phân công đảng viên chính thức giúp đỡ đảng viên dự bị.

- Đại diện cấp ủy cấp trên phát biểu ý kiến (nếu có).

- Bế mạc (hát Quốc ca, Quốc tế ca).

* Lưu ý:

- Lễ kết nạp đảng viên phải được tổ chức trang nghiêm; tiến hành kết nạp từng người một (nếu kết nạp từ hai người trở lên trong cùng một buổi lễ).

- Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định kết nạp đảng viên, chi bộ phải tổ chức lễ kết nạp cho đảng viên. Nếu để quá thời hạn nêu trên phải báo cáo và được cấp ủy cấp trên trực tiếp đồng ý.

 - Quá 12 tháng, kể từ khi lập hồ sơ đề nghị xét kết nạp người vào Đảng mà chi bộ chưa xem xét đề nghị kết nạp được thì phải làm lại một số tài liệu:

+ Văn bản giới thiệu của đảng viên chính thức được phân công giúp đỡ người vào Đảng;

+ Nghị quyết giới thiệu đoàn viên vào Đảng của ban chấp hành Đoàn Thanh niên cơ sở hoặc tập thể chi đoàn cơ sở; ban chấp hành công đoàn cơ sở.

+ Văn bản thẩm tra bổ sung lý lịch của người vào Đảng nếu có thay đổi so với thời điểm thẩm tra lần trước;

+ Ý kiến nhận xét bổ sung của đoàn thể chính trị - xã hội nơi người vào Đảng sinh hoạt và chi ủy nơi cư trú đối với người xin vào Đảng.

- Sau khi được kết nạp vào Đảng, đảng viên khai lý lịch và phiếu đảng viên để tổ chức đảng quản lý.

+ Khai lý lịch đảng viên thực hiện theo điểm 2.1, mục 2, phần I của Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW ngày 18/01/2022 của Ban Tổ chức Trung ương.

+ Khai phiếu đảng viên thực hiện theo điểm 2.2, mục 2, phần I của Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW ngày 05/6/2017 của Ban Tổ chức Trung ương cho đảm bảo đúng quy định.

4. Kết nạp đảng viên trong một số trường hợp khác

4.1. Việc xem xét, kết nạp đảng viên đối với người vào Đảng khi thay đổi đơn vị công tác hoặc nơi cư trú

Việc xem xét, kết nạp đảng viên đối với người vào Đảng khi thay đổi đơn vị công tác hoặc nơi cư trú thực hiện theo điểm 3.9 tại Hướng dẫn số 01-HD/TW ngày 28/9/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XIII):

a) Trường hợp người vào Đảng đang trong thời gian được tổ chức đảng xem xét, kết nạp mà chuyển sang đơn vị công tác hoặc nơi cư trú mới

- Cấp ủy cơ sở nơi chuyển đi: Làm giấy chứng nhận người đó đang được tổ chức đảng giúp đỡ, xem xét kết nạp.

- Cấp ủy cơ sở nơi đến: giao cho chi bộ tiếp tục phân công đảng viên chính thức (không lệ thuộc vào thời gian đảng viên chính thức cùng công tác với người vào Đảng) theo dõi, giúp đỡ.

b) Trường hợp người vào Đảng chưa có quyết định kết nạp

- Người vào Đảng đã được chi bộ, đảng ủy cơ sở xét, ra nghị quyết đề nghị kết nạp đảng nhưng chưa gửi hồ sơ kết nạp lên cấp uỷ có thẩm quyền kết nạp đảng viên, thì cấp uỷ cơ sở nơi chuyển đi làm công văn gửi kèm hồ sơ đề nghị kết nạp đảng viên đến cấp ủycó thẩm quyền kết nạp đảng viên nơi chuyển đến.

Cấp ủy có thẩm quyền kết nạp đảng viên nơi chuyển đến chỉ đạo cấp ủy đảng trực thuộc phân công đảng viên chính thức theo dõi, giúp đỡ và xem xét để kết nạp.

- Người vào Đảng đã được cấp uỷ cơ sở gửi nghị quyết và hồ sơ kết nạp đảng viên lên cấp có thẩm quyền, nhưng chưa có quyết định kết nạp mà chuyển đơn vị công tác, học tập hoặc chuyển đến nơi cư trú mới, thì trong thời hạn 15 ngày làm việc cấp uỷ có thẩm quyền kết nạp đảng viên làm công văn gửi kèm theo hồ sơ đề nghị kết nạp đến cấp uỷ có thẩm quyền kết nạp đảng viên.

Cấp ủy có thẩm quyền kết nạp đảng viên nơi chuyển đến xem xét, nếu đủ tiêu chuẩn, điều kiện thì trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ đề nghị kết nạp, ban hành quyết định kết nạp; nếu quá thời hạn trên mà không ban hành quyết định kết nạp thì cấp ủy phải báo cáo cấp ủy cấp trên.

c) Người vào Đảng đã được cấp uỷ có thẩm quyền ban hành quyết định kết nạp

- Người vào Đảng chuyển đến đơn vị công tác, học tập thuộc phạm vi lãnh đạo của cấp uỷ có thẩm quyền (trong cùng Đảng bộ Khối) thì cấp uỷ có thẩm quyền kết nạp đảng viên xem xét và thông báo đến cấp uỷ cơ sở nơi chuyển đi, đồng thời chuyển quyết định kết nạp đến cấp uỷ cơ sở nơi người vào Đảng chuyển đến để tổ chức lễ kết nạp.

- Người vào Đảng chuyển đến đơn vị công tác, học tập hoặc nơi cư trú mới ngoài phạm vi lãnh đạo của cấp uỷ có thẩm quyền(ngoài Đảng bộ Khối):

+ Trường hợp cấp uỷ có thẩm quyền kết nạp đảng viên nơi chuyển đi ban hành quyết định kết nạp người vào Đảng trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày người được vào Đảng có quyết định chuyển đến đơn vị hoặc nơi cư trú mới thì cấp uỷ nơi chuyển đi gửi công văn kèm theo quyết định và hồ sơ kết nạp đến cấp uỷ cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng nơi người vào Đảng chuyển đến để chỉ đạo chi bộ tổ chức kết nạp đảng viên. Không tổ chức kết nạp ở nơi đã chuyển đi.

+ Trường hợp cấp ủy có thẩm quyền kết nạp đảng viên, đã ban hành quyết định kết nạp sau 30 ngày làm việc, kể từ ngày người vào Đảng có quyết định chuyển đến đơn vị hoặc nơi cư trú mới thì cấp ủy có thẩm quyền kết nạp đảng viên nơi chuyển đi hủy quyết định kết nạp của mình và làm công văn gửi kèm theo hồ sơ đề nghị kết nạp đến cấp ủy có thẩm quyền kết nạp đảng viên nơi chuyển đến để xem xét, quyết định kết nạp.

Đối với các trường hợp nêu trên, cấp uỷ cơ sở nơi chuyển đến kiểm tra hồ sơ, thủ tục trước khi tổ chức kết nạp; nếu chưa bảo đảm nguyên tắc, thủ tục thì đề nghị cấp uỷ có thẩm quyền nơi ra quyết định kết nạp xem xét lại. Thời gian xem xét lại không quá 60 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của cấp uỷ nơi người vào Đảng chuyển đến.

5. Kết nạp đảng viên trong một số trường hợp khác

5.1. Việc kết nạp đảng viên đối với người theo tôn giáo, người có quan hệ hôn nhân với người nước ngoài,… (cấp ủy cơ sở liên hệ với Ban Tổ chức Đảng ủy Khối để được hướng dẫn cụ thể đối với những trường hợp này).

5.2. Người đang học tập trung ở cơ sở đào tạo từ 12 tháng trở lên: Do tổ chức đảng ở cơ sở đào tạo xem xét kết nạp. Người đang công tác biệt phái từ 12 tháng trở lên, do tổ chức đảng nơi công tác biệt phái xem xét, kết nạp.

Tổ chức đảng đơn vị cử đi học, đi công tác biệt phái và tổ chức đảng ở địa phương nơi người vào Đảng cư trú có nhận xét về phẩm chất, đạo đức, lối sống, quan hệ xã hội, việc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước gửi về cấp uỷ nhà trường hoặc cấp uỷ nơi người vào Đảng công tác biệt phái để có cơ sở xem xét.

5.3. Người đã tốt nghiệp ra trường về địa phương chờ việc làm thì tổ chức đảng ở địa phương xem xét kết nạp.

5.4. Người đang làm hợp đồng tại cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp:

- Nếu làm hợp đồng có thời hạn, thời gian thực tế làm việc tại cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp dưới 12 tháng thì tổ chức đảng nơi cư trú xem xét kết nạp; trước khi làm thủ tục xem xét kết nạp phải có nhận xét của cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp nơi người vào Đảng đang làm việc.

- Nếu làm hợp đồng liên tục từ đủ 12 tháng trở lên thì tổ chức đảng của cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp nơi người đó làm việc xem xét kết nạp; nơi không có tổ chức đảng thực hiện theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương.

6. Kết nạp lại người vào Đảng

Việc kết nạp lại người vào Đảng thực hiện theo điểm 3.5 tại Quy định số 24-QĐ/TW ngày 30/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII), cụ thể như sau:

6.1. Người được xét kết nạp lại phải có đủ các điều kiện sau:

a) Có đủ điều kiện và tiêu chuẩn của người vào Đảng quy định tại Điều 1 Điều lệ Đảng.

b) Ít nhất là 36 tháng kể từ khi ra khỏi Đảng (riêng người bị án hình sự về tội ít nghiêm trọng thì phải sau 60 tháng kể từ khi được xóa án tích; đảng viên đã bị đưa ra khỏi Đảng do vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình thì thực hiện theo Quy định số 05-QĐi/TW, ngày 08/8/2018 của Ban Bí thư, phải có thời gian phấn đấu ít nhất 24 tháng đối với trường hợp vi phạm sinh con thứ 3 hoặc 36 tháng đối với trường hợp sinh con thứ tư kể từ ngày sinh con đến ngày chi bộ họp xét đề nghị kết nạp vào Đảng), làm đơn xin kết nạp lại vào Đảng; phải được ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy (hoặc tương đương) đồng ý bằng văn bản, cấp ủy có thẩm quyền (huyện ủy và tương đương) xem xét, quyết định.

c) Thực hiện đúng các thủ tục nêu ở các Khoản 1, 2, 3 Điều 4 Điều lệ Đảng.

6.2. Đối tượng không xem xét kết nạp lại

Không xem xét, kết nạp lại những người trước đây ra khỏi Đảng vì lý do: Tự bỏ sinh hoạt đảng; làm đơn xin ra Đảng (trừ trường hợp vì lý do gia đình đặc biệt khó khăn); gây mất đoàn kết nội bộ nghiêm trọng; bị kết án vì tội tham nhũng; bị kết án về tội nghiêm trọng trở lên.

6.3. Chỉ kết nạp lại một lần.

6.4. Những đảng viên được kết nạp lại phải trải qua thời gian dự bị.


  (Cập nhật ngày 27-10-2022)    



Các tin liên quan:
  Các mẫu quy chế làm việc của cấp uỷ cơ sở, của cấp uỷ chi bộ trực thuộc và của chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở (06-10-2022)
  Một số mẫu đề cương phục vụ tổ chức đại hội chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở nhiệm kỳ 2022-2025 (28-02-2022)
  Mẫu bổ sung lý lịch đảng viên phía vợ (chồng) (01-09-2020)
  Nhận xét của Chi ủy nơi cư trú đối với đảng viên khi đề nghị BTV Đảng ủy Khối thẩm định tiêu chuẩn chính trị (06-04-2020)
  Mẫu tiêu chí đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ định kỳ hàng tháng (04-10-2019)
       Thông báo
       Hình ảnh hoạt động
         Tìm kiếm tin tức
Từ khóa:
Mục tin:
             Thống kê người dùng
  Đang online:               19
  Số lượt truy cập: 2943460
Tạp chí Đảng Cộng Sản
Tạp chí Xây dựng Đảng
Tạp chí Công sản
Báo Bình Định
Bản quyền thuộc về: ĐẢNG ỦY KHỐI CÁC CƠ QUAN TỈNH BÌNH ĐỊNH .
Địa chỉ: 02A Trần Phú, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
ĐT: 0256. 3811425
Chịu trách nhiệm nội dung: VÕ THỊ THU HÒA - TUV, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Bình Định.