Đất đai có vai trò vô cùng quan trọng đối với đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của mỗi đất nước. Ở nước ta, đất đai được xác định tài nguyên vô cùng quý giá của quốc gia, là tư liệu sản xuất đặc biệt, nguồn nội lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế, là thành phần quan trọng của môi trường sống. Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, được quản lý theo pháp luật”.

Đảng ủy Khối tổ chức Hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

 

Từ khi chúng ta tiến hành đường lối đổi mới đến nay, Đảng ta đã đề ra nhiều chủ trương, quan điểm về quản lý, sử dụng đất đai. Tại Hội nghị Trung ương 5 Khóa XIII vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương đã bám sát Cương lĩnh của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khoá XI, dành nhiều thời gian thảo luận một cách dân chủ và đã thống nhất cao ban hành Nghị quyết mới về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao". Trong đó, có một số quan điểm chỉ đạo, mục tiêu và một số nhiệm vụ, giải pháp mới so với các nghị quyết trước đây:

 

Điểm mới trong quan điểm chỉ đạo:

 

- Quan điểm chỉ đạo thứ nhất: Nghị quyết khẳng định quan điểm xuyên suốt của Đảng về đất đai, đó là: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước thực hiện quyền của chủ sở hữu thông qua quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng và quy định thời hạn sử dụng đất; quyết định giá đất; quyết định chính sách điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất không phải do người sử dụng đất tạo ra. Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào các mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng theo quy định của pháp luật, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình. Quản lý và sử dụng đất phải bảo đảm lợi ích chung của toàn dân; nhân dân được tạo điều kiện tiếp cận, sử dụng đất công bằng, công khai, hiệu quả và bền vững. 

 

Điểm mới nội dung này của Nghị quyết làm rõ hơn so với Nghị quyết 19 về vai trò của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu và nội hàm, ý nghĩa của chế độ sở hữu toàn dân về đất đai; đồng thời, đặt ra yêu cầu mới phải công khai, minh bạch và trách nhiệm phải giải trình trong thu hồi đất vì lợi ích quốc gia, cộng cộng. Đây là cơ sở và yêu cầu đối với việc thể chế hóa trong pháp luật về đất đai (sửa đổi Luật đất đai).

 

- Quan điểm chỉ đạo thứ haiNghị quyết nhấn mạnh quan điểm thống nhất quản lý nhà nước về đất đai: Nhà nước thống nhất quản lý đất đai theo lãnh thổ quốc gia, cả về diện tích, chất lượng, giá trị kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường; phân công hợp lý giữa các cơ quan nhà nước ở Trung ương, đồng thời có sự phân cấp, phân quyền phù hợp, hiệu quả đối với địa phương và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát, xử lý vi phạm.

 

Đây là quan điểm chỉ đạo có nhiều điểm mới, bổ sung, làm rõ việc quản lý về đất đai bao gồm cả diện tích và chất lượng; phân cấp rõ hơn giữa các cơ quan Trung ương, giữa các cơ quan Trung ương và địa phương.

 

- Quan điểm chỉ đạo thứ baNghị quyết nêu rõ: Thể chế, chính sách về đất đai phải được hoàn thiện đồng bộ và phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Có chính sách phù hợp với từng đối tượng, loại hình sử dụng đất để khơi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất giá trị nguồn lực đất đai; kiên quyết khắc phục tình trạng tham nhũng, tiêu cực, khiếu kiện về đất đai, đầu cơ và sử dụng đất đai lãng phí.

 

Nội dung này của Nghị quyết là quan điểm mới, có tính khái quát cao, là định hướng lớn cho công tác hoàn thiện thể chế về đất đai; khơi dậy và phát huy tối đa tiềm năng, giá trị nguồn lực đất đai, đồng thời đặt ra quyết tâm lớn của toàn hệ thống chính trị là khắc phục cho được tình trạng tham nhũng, tiêu cực, khiếu kiện, đầu cơ và sử dụng đất đai lãng phí.

 

- Quan điểm chỉ đạo thứ tư: Nghị quyết nhấn mạnh quan điểm đối với công tác quản lý nhà nước về đất đai: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai. Hiện đại hoá công tác quản lý, dịch vụ công về đất đai. Củng cố, hoàn thiện hệ thống tổ chức bộ máy quản lý đất đai tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, tập trung, đồng bộ, thống nhất. Nâng cao vai trò và năng lực các cơ quan tư pháp trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai. Đất đai phải được điều tra, đánh giá, thống kê, kiểm kê, lượng hoá, hạch toán đầy đủ trong nền kinh tế; được quy hoạch sử dụng hiệu quả, hợp lý với tầm nhìn dài hạn, hài hoà lợi ích giữa các thế hệ, các vùng, miền, giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh; phát triển giáo dục, văn hoá, thể thao; bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Giải quyết tốt những bất cập, vướng mắc trong quản lý và sử dụng đất do lịch sử để lại và từ yêu cầu mới của thực tiễn.

 

Nội dung này của quan điểm chỉ đạocó nhiều điểm mới, đặt ra những yêu cầu về kiện toàn tổ chức bộ máy; nâng cao vai trò của cơ quan tư pháp trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai; quy hoạch sử dụng đất phải có tầm nhìn dài hạn, bảo đảm phát triển bền vững, hài hòa lợi ích giữa các thế hệ, vùng miền, giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm an ninh lương thực. Đây là một định hướng lớn, với yêu cầu cao đối với công tác quy hoạch, sử dụng đất (yêu cầu mang tính đa chiều về cả không gian và thời gian).

 

Điểm mới trong mục tiêu:

 

Nghị quyết đưa ra các mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn:

 

Đến năm 2023: Phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và một số luật liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất. (Chính phủ sẽ trình dự thảo Luật Đất đai 2013 sửa đổi vào kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV). Đến năm 2025: Hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông. Đến năm 2030: Hệ thống pháp luật về đất đai cơ bản được hoàn thiện đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

 

Điểm mới trong nhiệm vụ, giải pháp:

 

- Nhóm nhiệm vụ, giải pháp về thống nhất nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về quản lý và sử dụng đất trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

 

Cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục để cán bộ, đảng viên và Nhân dân hiểu đúng, đầy đủ về đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, nhất là về quyền và nghĩa vụ của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu theo quy định của Hiến pháp và pháp luật; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình và cá nhân được Nhà nước giao quyền sử dụng đất. Đất đai là nguồn lực to lớn cần được phát huy, quản lý và sử dụng có hiệu quả, bền vững, bảo đảm công bằng xã hội; không để bị suy thoái, huỷ hoại, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực.

 

Đây là nội dung mới để khắc phục những hạn chế mà quá trình tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW đã nêu ra (cách hiểu và triển khai, thực hiện của các cơ quan, đơn vị, địa phương còn khác nhau), quán triệt thống nhất trong nhận thức và hành động của toàn hệ thống chính trị và toàn dân về công tác quản lý, sử dụng đất đai (nhận thức cho thật đầy đủ, đúng đắn).

 

- Nhóm nhiệm vụ, giải pháp về hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý và sử dụng đất đồng bộ với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

 

Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch sử dụng đất

 

Đất đai là tài nguyên đặc biệt, hữu hạn, là không gian sinh tồn, là nguồn lực to lớn để phát triển đất nước do đó quy hoạch sử dụng đất phải được đổi mới để Nhà nước quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai theo pháp luật và quy hoạch.

 

Điểm mới của Nghị quyết lần này yêu cầu là quy hoạch sử dụng đất phải kết hợp giữa chỉ tiêu các loại đất gắn với không gian, phân vùng sử dụng đất, hệ sinh thái tự nhiên (phân theo khu vực cần bảo vệ nghiêm ngặt, khu vực cần giữ ổn định, khu vực phát triển), thể hiện được thông tin đến từng thửa đất. Việc xác định chỉ tiêu sử dụng đất phải phù hợp với nhu cầu sử dụng đất, tránh lãng phí trong phân bổ, quản lý và sử dụng đất. Đồng thời, quy định rõ, chặt chẽ việc phê duyệt, ban hành kế hoạch sử dụng đất hằng năm.

 

Nghị quyết còn bổ sung nội dung quan trọng “Nhà nước đảm bảo đủ nguồn lực để lập quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất” để hạn chế việc lạm dụng, tham nhũng, tiêu cực.

 

Hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất

 

Nghị quyết thống nhất cơ bản thực hiện hình thức cho thuê đất trả tiền hằng năm và quy định cụ thể các trường hợp trả tiền thuê đất một lần để bảo đảm nguồn thu ổn định, tránh thất thoát ngân sách nhà nước.

 

Đối với đất đai cho các tổ chức tôn giáo, điểm mới trong Nghị quyết lần này là chủ trương: Đất sử dụng làm cơ sở thờ tự, trụ sở của các tổ chức tôn giáo nếu sử dụng trong hạn mức thì được Nhà nước giao không thu tiền; đất được sử dụng không phải mục đích thờ tự hoặc làm trụ sở các tổ chức tôn giáo thì phải trả tiền thuê đất cho Nhà nước. Do vậy, cần thể chế quy định về điều kiện giao đất, cho thuê đất, hạn mức sử dụng đối với các tổ chức tôn giáo phù hợp với quỹ đất hiện có của địa phương.

 

Hoàn thiện vbồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất.

 

Đây là nội dung hết sức quan trọng, tác động trực tiếp đến người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất (một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến khiếu kiện kéo dài về đất đai). Chúng ta đều biết, khiếu kiện liên quan đến đất đai trong giai đoạn 2014-2020 thường chiếm từ 60-70% số lượng vụ việc hành chính; trong đó 60-70% là liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; việc chậm giải phóng mặt bằng khiến nhiều dự án lớn chậm tiến độ, đội vốn...

 

Điểm mới của Nghị quyết lần này là cho cơ chế góp quyền sử dụng đất đối với tổ chức,hộ gia đình, cá nhân, điều chỉnh lại đất đai đối với các dự án phát triển, chỉnh trang đô thị và khu dân cư nông thôn (trước đây, đối với các dự án phát triển, chỉnh trang đô thị và khu dân cư nông thôn thì Nhà nước đứng ra thu hồi và chưa có quy định về điều chỉnh lại đất đai đối với các loại dự án này); đồng thời, đối với các dự án phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, sẽ xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách để tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có quyền sử dụng đất tham gia với nhà đầu tư để thực hiện các dự án dưới hình thức chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.

 

Để giải quyết tình trạng chậm triển khai dự án do chậm bàn giao mặt bằng, Nghị quyết đặt ra yêu cầu: Tiếp tục thực hiện thí điểm và sớm tổng kết chủ trương tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư để thực hiện trước. Hoàn thiện tổ chức, bộ máy, cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của các tổ chức phát triển quỹ đất bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu quả, đủ năng lực tạo lập, quản lý, khai thác quỹ đất, thực hiện tốt nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

 

Kiên quyết thu hồi đất của tổ chức, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp sử dụng đất không đúng mục đích, nhất là tại các vị trí có lợi thế, khả năng sinh lợi cao, ngăn chặn thất thoát vốn, tài sản Nhà nước.

 

Hoàn thiện cơ chế xác định giá đất

 

Việc xác định giá đất là vấn đề đặc biệt được quan tâm, thực tiễn thời gian qua, việc xác định giá đất còn nhiều bất cập, hạn chế, vướng mắc dẫn đến xẩy ra nhiều sai phạm, thất thoát NSNN... Điểm mới đột phá của Nghị quyết lần này là bỏ khung giá đất, đồng thời yêu cầu có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, quy định chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của cơ quan có nhiệm vụ xác định giá đất. Trung ương xây dựng tiêu chí và quy trình kiểm tra, giám sát các địa phương trong việc xây dựng bảng giá đất. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định, kiểm tra, giám sát việc thực hiện giá đất.

 

Đối với công tác xác định giá đất cần có cơ chế hữu hiệu để nâng cao chất lượng công tác định giá đất, bảo đảm tính độc lập của Hội đồng thẩm định giá đất, năng lực của tổ chức tư vấn xác định giá đất, năng lực, đạo đức của các định giá viên.Điểm mới của Nghị quyết là yêu cầu hoàn thiện các quy định bảo đảm công khai, minh bạch như: Công khai giá đất, bắt buộc giao dịch qua các sàn giao dịch, thanh toán qua ngân hàng, không dùng tiền mặt; xử lý nghiêm các vi phạm.

 

Hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính về đất đai

 

Điểm mới nổi bật của Nghị quyết lần này là đưa ra chủ trương quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang và có cơ chế điều tiết hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất giữa Trung ương và địa phương (nghiên cứu có chính sách điều tiết chênh lệch địa tô, bảo đảm công khai, minh bạch).

 

Hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp

 

Điểm mới của Nghị quyết lần này là: Cho phép mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng vùng, địa phương, với việc chuyển đổi nghề, việc làm, lao động ở nông thôn để đảm bảo tiến trình tích tụ đất đai phù hợp với chuyển dịch lao động trong nông thôn. Đồng thời, yêu cầu xây dựng quy định về ngân hàng cho thuê đất nông nghiệp để thúc đẩy tập trung đất đai và tiếp cận đất đai cho sản xuất nông nghiệp.

 

Hoàn thiện các quy định về quản lý và sử dụng đất kết hợp đa mục đích

 

Để khơi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất nguồn lực tài nguyên đất đai, phù hợp với xu thế hiện nay, Nghị quyết lần này đặt ra yêu cầu sửa đổi, bổ sung trong Luật đất đai, hoàn thiện các quy định về quản lý, sử dụng đất đa mục đích đối với: Đất quốc phòng, an ninh kết hợp với sản xuất và xây dựng kinh tế; đất ở kết hợp với thương mại, dịch vụ; đất nông nghiệp kết hợp với thương mại, dịch vụ; đất dự án du lịch có yếu tố tâm linh; đất xây dựng công trình trên không, công trình ngầm, đất hình thành từ hoạt động lấn biển.


Bảo Giang  (Cập nhật ngày 22-08-2022)    



Các tin liên quan:
  Những quan điểm chỉ đạo mới trong Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về "Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới" (18-08-2022)
  Bộ Chính trị kết luận về nâng cao hiệu quả quản lý biên chế (05-08-2022)
  Làm gì để đổi mới công tác tuyên giáo? (01-08-2022)
  Ban hành quy định về luân chuyển cán bộ (06-07-2022)
  Hội nghị chuyên đề công tác phát triển đảng viên (14-06-2022)
       Thông báo
       Hình ảnh hoạt động
         Tìm kiếm tin tức
Từ khóa:
Mục tin:
             Thống kê người dùng
  Đang online:               6
  Số lượt truy cập: 2944619
Tạp chí Đảng Cộng Sản
Tạp chí Xây dựng Đảng
Tạp chí Công sản
Báo Bình Định
Bản quyền thuộc về: ĐẢNG ỦY KHỐI CÁC CƠ QUAN TỈNH BÌNH ĐỊNH .
Địa chỉ: 02A Trần Phú, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
ĐT: 0256. 3811425
Chịu trách nhiệm nội dung: VÕ THỊ THU HÒA - TUV, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Bình Định.