Cương lĩnh của Đảng đã khẳng định: Kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã khẳng định về việc “Đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã gắn với phát huy vai trò làm chủ, tăng cường lợi ích của các thành viên, nâng cao khả năng huy động nguồn lực”.

Đảng ủy Khối tổ chức Hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

 

Theo đó, Hội nghị Trung ương 5 vừa qua, Ban chấp hành Trung ương yêu cầu trong thời gian tới phải tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về "Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới" (Nghị quyết 20). Nghị quyết 20 khẳng định sự phát triển kinh tế tập thể (KTTT) là xu thế tất yếu khách quan và phải xuất phát từ nhu cầu thiết thực của các thành viên; tôn trọng các giá trị, nguyên tắc hoạt động của hợp tác xã (HTX) phù hợp với đặc điểm kinh tế xã hội (KTXH) của từng địa phương, từng vùng và của cả nước. Kinh tế tập thể có nhiều hình thức đa dạng phát triển từ thấp đến cao, trong đó HTX là nòng cốt.

 

Trên cơ sở đánh giá một cách bài bản, khách quan, nghiêm túc về các kết quả đạt được, hạn chế và nguyên nhân; phân tích bối cảnh mới trong nước, quốc tế và những vấn đề đặt ra đối với việc khẳng định vai trò, vị trí và phát triển, nâng cao hiệu quả khu vực kinh tế tập thể, Nghị quyết 20 đã thống nhất cao về 5 quan điểm chỉ đạo, mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể đối với khu vực kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, cùng với đó là 5 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và phân công các đơn vị tổ chức thực hiện. Trong đó, Nghị quyết 20 có một số quan điểm chỉ đạo mới, nhiều nội dung được cụ thể hơn về KTTT để các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện có kết quả Nghị quyết, sớm đưa Nghị quyết vào thực tiễn cuộc sống.

 

Nhóm quan điểm thứ nhất

 

Nghị quyết khẳng định quan điểm xuyên suốt của Đảng về kinh tế tập thể, đó là: “Kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”.

 

Nghị quyết cũng nhấn mạnh: “Phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xuất phát từ nhu cầu thiết thực, bảo vệ lợi ích và tạo điều kiện cho thành viên sản xuất kinh doanh hiệu quả, phát triển bền vững. Phát triển kinh tế tập thể phải tôn trọng bản chất, giá trị, nguyên tắc hoạt động của kinh tế tập thể, phù hợp với điều kiện, đặc điểm kinh tế - xã hội của từng địa phương, vùng, miền và cả nước”.

 

Đây là nội dung mới so với Nghị quyết số 13-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 5 khóa IX, trên cơ sở cập nhật quan điểm trong Cương lĩnh 2011 và Nghị quyếtĐại hội Đảng XIII. Qua đây, Trung ương thống nhất về quan điểm phát triển kinh tế tập thể, trong đó khẳng định rõ vị trí, vai trò của KTTT trong nền kinh tế quốc dân và xu thế phát triển trong giai đoạn mới. KTTT không phủ nhận kinh tế hộ mà còn hỗ trợ cho kinh tế hộ phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững hơn.

 

Nhóm quan điểm thứ hai

 

Nghị quyết xác định rõ “Kinh tế tập thể với nhiều hình thức tổ chức kinh tế hợp tác đa dạng, phát triển từ thấp đến cao (tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã…) trong đó hợp tác xã là nòng cốt”, đồng thời đặt ra yêu cầu “tăng cường liên kết giữa các hợp tác xã, hình thành các liên hiệp hợp tác xã, không giới hạn về quy mô, lĩnh vực và địa bàn”.

 

Nghị quyết cũng nêu rõ “Kinh tế tập thể lấy lợi ích kinh tế là trọng tâm, bao gồm lợi ích của thành viên, tập thể và Nhà nước, đồng thời coi trọng lợi ích chính trị, văn hoá, xã hội trên địa bàn”.

 

Quan điểm này kế thừa quan điểm của Nghị quyết số 13-NQ/TW, đồng thời làm rõ hơn hình thức tổ chức và mục tiêu hướng đến của kinh tế tập thể: kinh tế tập thể với nhiều hình thức tổ chức kinh tế hợp tác đa dạng, biểu hiện dưới một số hình thức tổ chức cụ thể, phát triển từ thấp đến cao như tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã…. Mục tiêu chính của kinh tế tập thể không chỉ là lợi ích kinh tế của thành viên, của tập thể và của Nhà nước, mà còn chú trọng lợi ích chính trị, văn hóa, xã hội trên địa bàn. Qua đó, đánh giá đầy đủ, toàn diện của kinh tế tập thể.

 

Đồng thời, quan điểm này nhằm khắc phục sự yếu kém trong việc liên kết giữa các HTX, hướng tới đẩy mạnh xây dựng hệ sinh thái các tổ chức kinh tế tập thể. 

 

Nhóm quan điểm thứ ba

 

Quan điểm này là về những đặc điểm cơ bản của kinh tế tập thể, gồm: “Kinh tế tập thể phát triển dựa trên sở hữu riêng của thành viên và sở hữu chung của tập thể; tổ chức hoạt động theo nguyên tắc đối nhân, không phụ thuộc vào vốn góp; phân phối theo mức độ tham gia dịch vụ, theo hiệu quả lao động và theo vốn góp. Thành viên kinh tế tập thể bao gồm các thể nhân và pháp nhân, thành viên chính thức và thành viên liên kết, cùng góp vốn, góp tài sản, góp sức trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi và quản lý dân chủ. Khuyến khích việc tích luỹ và sử dụng có hiệu quả vốn, tài sản chung trong tổ chức kinh tế tập thể.”

 

So với Nghị quyết số 13-NQ/TW, Nghị quyết lần này Trung ương đã bổ sung khái niệm thành viên chính thức và thành viên liên kết trong các tổ chức kinh tế tập thể để tạo điều kiện thu hút thêm thành viên. Ở đây, có thể hiểu thành viên liên kết là những cá nhân, pháp nhân hợp tác với tổ chức kinh tế tập thể để thực hiện một số khâu, nhiệm vụ trong hoạt động sản xuất kinh doanh, có một số quyền, nghĩa vụ theo hợp đồng hợp tác, là bước trung gian trước khi trở thành thành viên chính thức của tổ chức.

 

Quan điểm này chỉ ra sự khác biệt giữa tổ chức theo hình thức kinh tế tập thể và các hình tổ chức doanh nghiệp. Trong đó, Nghị quyết nhấn mạnh tính dân chủ và không phụ thuộc vào vốn góp trong quản lý, điều hành để bảo đảm quyền quyền bình đẳng giữa các thành viên tham gia, đồng thời phân phối theo mức độ tham gia dịch vụ, theo hiệu quả lao động và theo vốn góp (bảo đảm kinh tế tập thể vận hành theo kinh tế thị trường định hướng XHCN).

 

Nhóm quan điểm thứ tư

 

Quan điểm này nhấn mạnh những yêu cầu đặt ra đối với phát triển kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, cụ thể: “Phát triển kinh tế tập thể cả về số lượng và chất lượng, trong đó chú trọng chất lượng, bảo đảm sự hài hoà trong tất cả các ngành, lĩnh vực, địa bàn; có chính sách ưu tiên cho các tổ chức kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp, gắn hoạt động sản xuất kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; ưu tiên phát triển các tổ chức kinh tế tập thể gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức. Đánh giá hiệu quả kinh tế tập thể toàn diện về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, hiệu quả của tổ chức và của thành viên.”

 

So với Nghị quyết số 13-NQ/TW, Nghị quyết lần này Trung ương xác định phát triển kinh tế tập theo theo các xu thế phát triển hiện nay: phải đồng thời quan tâm cả số lượng và chất lượng (để đáp ứng yêu cầu mới của sự phát triển); phát triển theo chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo,chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức.... Đồng thời, tiếp tục khẳng định đánh giá hiệu quả kinh tế tập thể phải đánh giá toàn diện vềkinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, cả hiệu quả của tổ chức và của các thành viên. Qua đó, khẳng định kinh tế tập thể không đứng ngoài cuộc trong xu thế phát triển chung của đất nước, nhất là phát triển kinh tế tập thể phải chú trọng chất lượng và bảo đảm hài hoà giữa các ngành, lĩnh vực, địa bàn.

 

Thực tế tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW cho thấy kinh tế tập thể phát huy hiệu quả tốt tại các khu vực khó khăn, vùng biên giới, hải đảo... (mô hình hay của tổng kết), góp phần bảo đảm an ninh, an sinh, an dân, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân...

 

Nhóm quan điểm thứ năm

 

Trong quan điểm này, Trung ương đặt ra yêu cầu đối với các cơ quan trong hệ thống chính trị; các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân: “Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, Liên minh hợp tác xã và các tổ chức đại diện phối hợp chặt chẽ trong việc tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia phát triển kinh tế tập thể.”

 

Quan điểm này kế thừa Nghị quyết 13-NQ/TW, trong đó tiếp tục khẳng định phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân và hệ thống liên minh hợp tác xã trong việc phát triển kinh tế tập thể.


Bảo Giang  (Cập nhật ngày 18-08-2022)    



Các tin liên quan:
  Bộ Chính trị kết luận về nâng cao hiệu quả quản lý biên chế (05-08-2022)
  Làm gì để đổi mới công tác tuyên giáo? (01-08-2022)
  Ban hành quy định về luân chuyển cán bộ (06-07-2022)
  Hội nghị chuyên đề công tác phát triển đảng viên (14-06-2022)
  Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị giao ban toàn quốc đánh giá 1 năm triển khai thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị (20-05-2022)
       Thông báo
       Hình ảnh hoạt động
         Tìm kiếm tin tức
Từ khóa:
Mục tin:
             Thống kê người dùng
  Đang online:               5
  Số lượt truy cập: 2944621
Tạp chí Đảng Cộng Sản
Tạp chí Xây dựng Đảng
Tạp chí Công sản
Báo Bình Định
Bản quyền thuộc về: ĐẢNG ỦY KHỐI CÁC CƠ QUAN TỈNH BÌNH ĐỊNH .
Địa chỉ: 02A Trần Phú, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
ĐT: 0256. 3811425
Chịu trách nhiệm nội dung: VÕ THỊ THU HÒA - TUV, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Bình Định.