Tuyên ngôn độc lập - Giá trị lịch sử và thời đại

Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945. Ảnh: Tuyengiao.vn.

          Lịch sử ngàn năm của dân tộc Việt Nam, cùng với lao động cần cù, nhân dân ta đã phải chiến đấu anh dũng, hy sinh xương máu để bảo vệ nền độc lập của dân tộc.

          Trong từng thời điểm lịch sử, kết thúc cuộc chiến chống xâm lăng, đô hộ, dân tộc ta đều ghi dấu bằng những bản tuyên ngôn độc lập bất hủ.

          Bản Tuyên ngôn độc lập được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết và đọc trước quốc dân, đồng bào và toàn thế giới ngày 02/9/1945 khai sinh ra Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà mang ý nghĩa lịch sử và thời đại, vừa ở khía cạnh chính trị, quốc gia, dân tộc, vừa ở khía cạnh pháp lý quốc tế, khẳng định nền độc lập của dân tộc Việt Nam trước toàn thế giới, xây dựng nền móng cho chính thể dân chủ cộng hoà của Nhà nước ta.

          Trong bài viết này, tác giả xin được trình bày một số suy nghĩ về giá trị lịch sử và thời đại dưới góc độ pháp lý của Bản Tuyên ngôn độc lập.

          * Về cơ sở pháp lý của Tuyên ngôn độc lập và vấn đề quyền độc lập, tự quyết  dân tộc:

          Mở đầu Chủ tịch Hồ Chí Minh viện dẫn hai câu tiêu biểu trong Tuyên ngôn độc lập 1776 của nước Mỹ và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791.

          "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

          Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.

          Bản tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”.

          Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.””

          Tư tưởng tiến bộ trong 2 bản Tuyên ngôn trên xuất phát từ  hạt nhân của các học thuyết về nhà nước pháp quyền, khế ước xã hội được các nhà Khai sáng của thế kỷ 17, 18 như J .Lốc-cơ, J.J. Rút xô, Mon-tet-xki-ơ đưa ra - đó là quyền tự nhiên của con người, đó cũng chính là những giá trị mà nhân loại ước mơ, đấu tranh để hướng tới tương lai, là động lực cho các cuộc cách mạng tư sản dân quyền từ thế kỷ 18 đánh đổ ách chuyên chế phong kiến thống trị ngàn năm.

          Kế thừa tư tưởng tiến bộ ấy của nhân loại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng tạo và mở rộng nội dung quyền tự nhiên, quyền con người ra quyền độc lập của một dân tộc, một quốc gia.

          Vào thời điểm mà chủ nghĩa thực dân đã thống trị thế giới hàng trăm năm, các quốc gia và dân tộc nhược tiểu bị đế quốc chia nhau thống trị, chúng nhân danh “khai hoá văn minh” để áp bức bóc lột thuộc địa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra một chân lý giản dị: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.”. Nếu như các nhà Khai sáng mới dừng lại ở mức đề cập đến quyền tự nhiên của con người, thì ở đây Hồ Chí Minh đã mở rộng ý nghĩa của tư tưởng đó thành quyền tự nhiên của các dân tộc, các quốc gia. Điều mà sau này, Tuyên bố của Đại hội đồng Liên hợp quốc về các nguyên tắc của luật quốc tế ngày 24/10/1970 mới chính thức khẳng định. Trong 7 nguyên tắc được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua, có 2 nguyên tắc quan trọng, đó là: “Các dân tộc có quyền bình đẳng và tự quyết” và “Các quốc gia bình đẳng về chủ quyền”.

          Đồng thời dựa trên cơ sở tuyên bố của các nước đồng minh ở các hội nghị Tê-hê-ran và Cựu Kim Sơn (San Francisco) về nguyên tắc dân tộc bình đẳng (dù rằng lúc bấy giờ, nhiều nước trong phe Đồng minh đã và đang đô hộ thuộc địa), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã  tuyên bố với quốc dân và toàn thế giới về quyền độc lập, nền độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy.”

          * Về quyền con người:

          Quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc là những quyền tự nhiên của con người, là những quyền mà mọi cá nhân hiển nhiên đều có do sự tồn tại của mình. Ngay trong bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ, cũng khẳng định những quyền tự nhiên này không phải do chính quyền ban phát, mà chính quyền được lập ra để bảo vệ cho các quyền đó.

          Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng chính tư tưởng tiến bộ của cách mạng tư sản dân quyền để lên án tội ác của chủ nghĩa thực dân Pháp đối với dân tộc Việt Nam: “Thế mà hơn tám mươi năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa.”.

          Qua việc lên án chủ nghĩa thực dân, phát xít, với việc viện dẫn Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định nhân dân Việt Nam phải được hưởng đầy đủ những quyền tự nhiên và tự do, dân chủ như tất cả các dân tộc khác trên thế giới - “Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”. Đó cũng chính là một trong những nội dung của tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người.

          * Về chính thể của quốc gia:

          Tuyên ngôn độc lập đã khẳng định ngay trong tên gọi của nước - Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

          Chính thế của nước Việt Nam mới là chính thể dân chủ, thay thế cho chính thể quân chủ hàng ngàn năm ở nước ta, Tuyên ngôn độc lập viết: “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần một trăm năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hòa.”.

          Chế độ chính trị của nước Việt Nam mới là cộng hoà. Với chế độ này, việc hình thành nên bộ máy nhà nước trong tương lai thay thế cho Chính phủ lâm thời sẽ thông qua con đường bầu cử phổ thông đầu phiếu.

          * Dưới góc độ pháp luật quốc tế:

          Một chính phủ hợp pháp là chính phủ được hình thành thông qua các con đường phù hợp với pháp luật quốc tế. Tính chính nghĩa của chính phủ là một trong những căn cứ thực tế mang tính quyết định để thừa nhận tính hợp pháp của chính phủ.

          Với việc lên án chủ nghĩa thực dân Pháp ở nước ta, tố cáo thực dân Pháp đã bán nước ta hai lần cho phát xít Nhật, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định tính phi nghĩa của chính quyền thực dân Pháp.

          Chính quyền ta được hình thành qua cuộc đấu tranh của nhân dân ta đánh đổ chủ nghĩa thực dân, phong kiến, và đặc biệt là chống lại phát xít Nhật. Những sự kiện lịch sử không thể bác bỏ được đã được dẫn chứng thật ngắn gọn và đẩy đủ để khẳng định tính chính nghĩa của chính quyền ta:

          “ Khi Nhật hàng Đồng minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

          Sự thật là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp.”.

          “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần một trăm năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hòa.”.

          “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn tám mươi năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe đồng minh chống phát-xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”

          Bảy mươi lăm năm đã qua, nhưng ý nghĩa lịch sử và thời đại của Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà vẫn còn nguyên giá trị. Tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện trong Tuyên ngôn độc lập về những vấn đề cơ bản để xây dựng Nhà nước như: Quyền con người, quyền độc lập và tự quyết dân tộc, chính thể của quốc gia, quốc gia trong mối quan hệ quốc tế... sẽ vẫn mãi là ngọn đuốc soi đường, kim chỉ nam cho chúng ta tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam./.


Đ/c Trần Hoài Sơn - Trường Chính trị tỉnh Bình Định  (Cập nhật ngày 27-08-2020)    



Các tin liên quan:
  Kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 (1945 - 2020) (19-08-2020)
  Kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (1/8/1930 - 1/8/2020): Công tác tuyên giáo luôn đồng hành với sự phát triển của Đảng bộ tỉnh (01-08-2020)
  KỶ NIỆM 110 NĂM NGÀY SINH ĐỒNG CHÍ NGUYỄN DUY TRINH (15/7/1910 - 15/7/2020) (10-07-2020)
  Nguyễn Hữu Thọ - Người đảng viên cộng sản kiên định, bất khuất (25-06-2020)
  Kỷ niệm 66 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2020) (05-05-2020)
       Thông báo
       Hình ảnh hoạt động
         Tìm kiếm tin tức
Từ khóa:
Mục tin:
             Thống kê người dùng
  Đang online:               6
  Số lượt truy cập: 2945182
Tạp chí Đảng Cộng Sản
Tạp chí Xây dựng Đảng
Tạp chí Công sản
Báo Bình Định
Bản quyền thuộc về: ĐẢNG ỦY KHỐI CÁC CƠ QUAN TỈNH BÌNH ĐỊNH .
Địa chỉ: 02A Trần Phú, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
ĐT: 0256. 3811425
Chịu trách nhiệm nội dung: VÕ THỊ THU HÒA - TUV, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Bình Định.