TRANG SỬ VÀNG TRONG ĐẤU TRANH GIÀNH ĐỘC LẬP VÀ XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG

Ảnh minh họa (Nguồn:chinhphu.vn)

          Ngày 13/8/1945, Nhật tuyên bố đầu hàng Hồng quân Liên Xô và đồng minh, chiến tranh thế giới thứ II kết thúc. Ngay hôm đó, tại Hội nghị Tân Trào, trong Lời hiệu triệu toàn Đảng, Trung ương Đảng kêu gọi: Các đồng chí phải sáng suốt trong lãnh đạo và cương quyết hy sinh trong cuộc chiến đấu để giành độc lập cho Tổ quốc. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc gửi Thư kêu gọi quốc dân: Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng lên, đem sức ta mà giải phóng cho ta. Chúng ta không được chậm trễ.

          Tối 13/8/1945, nhận được tin Nhật đầu hàng, Ủy ban vận động Việt Minh họp khẩn cấp tại ga Quy Nhơn. Hội nghị nhận định tình thế cách mạng đã xuất hiện, song việc chuẩn bị chưa đầy đủ; cho nên, một mặt phải nhanh chóng tập hợp lực lượng, mặt khác điều tra lại tình hình địch. Hội nghị chủ trương: Dù tình hình nào cũng phải kịp thời phát động quần chúng vùng lên giành chính quyền trước khi quân đồng minh đến địa phương. Hội nghị quyết định lập Ủy ban khởi nghĩa, lập Đội tự vệ cứu quốc tập trung.

          Thời cơ cách mạng đã đến. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền lần lượt diễn ra ở các địa phương. Tại Quy Nhơn, sáng 23/8/1945, cả Quy Nhơn sục sôi khí thế cách mạng. Hàng ngàn công nhân, lao động và các tầng lớp khác cùng ngư dân xóm Tấn, thôn Hải Giang và nông dân Xuân Quang, Phú Vinh, Phú Hòa, Hưng Thạnh,… cờ giong trống thúc rầm rập tiến về sân vận động Quy Nhơn. Công nhân Delignon và các ga Bình Định, Diêu Trì, Mục Thịnh (Vân Canh),… cùng thanh niên, học sinh nhiều làng của Tuy Phước, thanh niên và nhân dân thị trấn Bình Định, công nhân trại Canh Nông và Túc Mễ (An Nhơn),… mang theo vũ khí thô sơ và cờ đỏ sao vàng nô nức kéo về Quy Nhơn. Tại sân vận động Quy Nhơn, trước hơn 10.000 người, đại biểu của Ủy ban khởi nghĩa đứng lên hiệu triệu quần chúng nhất tề xông lên khởi nghĩa. Sau đó, quần chúng có các đội tự vệ cứu quốc đi đầu, chia thành 2 đoàn tiến chiếm 2 mục tiêu quan trọng là đốc bộ đường tức dinh công sứ cũ và tòa đốc lý tức tòa sứ cũ, rồi hợp điểm chiếm trại bảo an tỉnh.

          Hơn một tuần lễ (23 - 31/8/1945), nhân dân Bình Định đã vùng lên giành chính quyền toàn tỉnh thắng lợi. Trước cơn bão táp cách mạng của quần chúng, bộ máy chính quyền của đế quốc và phong kiến từ làng, xã đến huyện, tỉnh bị sụp đổ hoàn toàn, âm mưu phá hoại của bọn phản cách động cũng bị đập tan.

          Cánh mạng Tháng Tám năm 1945 là một trong những mốc son chói lọi nhất của lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước rất hào hùng của dân tộc Việt Nam. Nó kết thúc chặng đường đấu tranh gian khổ nhưng rất vinh quang, đồng thời mở ra thời kỳ đấu tranh cho độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.

          Đảng bộ và nhân dân Bình Định vô cùng tự hào về những đóng góp quan trọng cùng với cả nước giành chính quyền về tay nhân dân. Thắng lợi của Bình Định trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 có ý nghĩa lịch sử, là kết quả tất yếu của quá trình đấu tranh lâu dài, gian khổ, hy sinh của các tổ chức đảng cùng các thế hệ chiến sỹ cách mạng và nhân dân Bình Định vì độc lập, tự do dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thắng lợi trọng đại này không chỉ là thành quả của chặng đường 15 năm đấu tranh đầy gian khổ, hy sinh nhưng rất vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân Bình Định mà còn là thành tựu to lớn trong mấy thập kỷ đấu tranh của các chiến sỹ yêu nước Bình Định, hết lớp này đến lớp khác, kiên cường đứng lên chống đế quốc và tay sai để giành độc lập cho Tổ quốc và tự do cho nhân dân. Với thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945, hơn 750.000 người dân Bình Định không kể tuổi tác, giai cấp, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo... thật sự đổi đời. Cách mạng Tháng Tám lịch sử và sự ra đời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa là bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam, là niềm tự hào của nhân dân Bình Định và của cả dân tộc Việt Nam.

          Sau khi giành được chính quyền, nhân dân Bình Định cùng với nhân dân cả nước lại phải bước vào cuộc trường chinh máu lửa với hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước, rồi kết thúc bằng đại thắng mùa Xuân năm 1975, đưa nhân dân Bình Định hòa trong niềm vui thống nhất đất nước, cùng tiến lên chủ nghĩa xã hội.

          Phát huy truyền thống yêu nước, tự lực tự cường, ngay sau khi tỉnh nhà được hoàn toàn giải phóng, Đảng bộ và quân dân Bình Định bắt tay ngay vào xây dựng lại quê hương sau nhiều năm chiến tranh ác liệt tàn phá. Trong gian khó, một lần nữa chủ nghĩa anh hùng cách mạng tiếp tục được phát huy. Nhờ vậy, tỉnh Bình Định đã đạt được những thành tựu rất quan trọng. Đến năm 2019, kinh tế phát triển toàn diện, quy mô nền kinh tế đạt trên 47.940 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người trên 55 triệu đồng, thu nội địa đạt trên 12.700 tỷ đồng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp, dịch vụ; sản xuất nông nghiệp phát triển khá toàn diện và đạt mức tăng trưởng cao; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển của tỉnh; nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm đầu tư sản xuất kinh doanh tại Bình Định; dịch vụ đạt kết quả tích cực, Bình Định trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước (năm 2019 thu hút 4,8 triệu lượt khách đến tỉnh); bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc. Các hoạt động giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa và thể thao, chăm sóc sức khỏe nhân dân… có nhiều tiến bộ. An sinh xã hội cơ bản được bảo đảm; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao; đến nay, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,43%; các chính sách ưu đãi người có công được quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời. Quốc phòng được củng cố; an ninh chính trị được giữ vững; trật tự an toàn xã hội cơ bản được bảo đảm. Công tác xây dựng hệ thống chính trị đạt được kết quả tích cực.

          Trong thời kỳ mới, Bình Định phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng, ý chí, khát vọng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, quyết tâm xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; giữ vững ổn định chính trị - xã hội; huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, phấn đấu xây dựng Bình Định trở thành một trong những tỉnh phát triển hàng đầu của khu vực miền Trung.                                       


Quang Lợi - BTG TU  (Cập nhật ngày 19-08-2020)    



Các tin liên quan:
  Kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (1/8/1930 - 1/8/2020): Công tác tuyên giáo luôn đồng hành với sự phát triển của Đảng bộ tỉnh (01-08-2020)
  KỶ NIỆM 110 NĂM NGÀY SINH ĐỒNG CHÍ NGUYỄN DUY TRINH (15/7/1910 - 15/7/2020) (10-07-2020)
  Nguyễn Hữu Thọ - Người đảng viên cộng sản kiên định, bất khuất (25-06-2020)
  Kỷ niệm 66 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2020) (05-05-2020)
  Đảng Cộng sản Việt Nam kiên định vận dụng sáng tạo tư tưởng của V.I. Lê-nin vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam thời kỳ đổi mới (22-04-2020)
       Thông báo
       Hình ảnh hoạt động
         Tìm kiếm tin tức
Từ khóa:
Mục tin:
             Thống kê người dùng
  Đang online:               9
  Số lượt truy cập: 2945150
Tạp chí Đảng Cộng Sản
Tạp chí Xây dựng Đảng
Tạp chí Công sản
Báo Bình Định
Bản quyền thuộc về: ĐẢNG ỦY KHỐI CÁC CƠ QUAN TỈNH BÌNH ĐỊNH .
Địa chỉ: 02A Trần Phú, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
ĐT: 0256. 3811425
Chịu trách nhiệm nội dung: VÕ THỊ THU HÒA - TUV, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Bình Định.