Đồng chí Nguyễn Duy Trinh - Nhà ngoại giao xuất sắc của Đảng và Nhà nước ta

Đồng chí Nguyễn Duy Trinh kí hiệp định Paris (ảnh tư liệu))

Đồng chí Nguyễn Duy Trinh là một nhà lãnh đạo đầy bản lĩnh, có tư duy sâu rộng, luôn quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành… một nhà ngoại giao xuất sắc của Ðảng và Nhà nước ta, là người học trò trung thành và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong gần 60 năm hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã được Ðảng và Nhà nước giao nhiều trọng trách khác nhau, ở cương vị nào đồng chí cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Đồng chí Nguyễn Duy Trinh sinh ngày 15/7/1910 tại xã Nghi Thọ (nay là xã Phúc Thọ), huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Đồng chí giác ngộ cách mạng từ rất sớm (năm 17 tuổi) và tham gia phong trào học sinh chống áp bức của thực dân, phong kiến tại thành phố Vinh, tham gia nhiều hoạt động cách mạng và bị kẻ thù bắt, tù đày. Trong gần 15 năm bị cầm tù, đồng chí đã trải qua các nhà lao Vinh, nhà tù Buôn Ma Thuột, trại tập trung Ðác Tô, Kon Tum, Côn Ðảo và kẻ thù liệt đồng chí vào danh sách những phần tử cộng sản nguy hiểm. Dù phải chịu nhiều gian khổ do kẻ thù gây ra, bị tra tấn rất dã man, nhưng đồng chí vẫn một lòng đi theo Đảng, đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã cùng các đồng chí cách mạng tiền bối như: Phan Ðăng Lưu, Hà Huy Tập, Lê Duẩn, Phạm Văn Ðồng, Phạm Hùng, Tôn Ðức Thắng, Lê Văn Lương... biến nhà tù thành trường học cách mạng và là một trong những người tích cực biên soạn, tổ chức những lớp học về chủ nghĩa Mác, Lê-nin, về đường lối chiến tranh du kích của Mặt trận Việt Minh.

Khi Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí được Đảng và Nhà nước phân công đảm nhiệm nhiều cương vị, trọng trách quan trọng, như: Thường vụ Xứ ủy Trung Bộ, Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính Trung Bộ, Bí thư Khu ủy Liên khu V kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính miền Nam Trung Bộ, Ủy viên Trung ương Ðảng khóa II năm 1951, Bí thư Trung ương Ðảng năm 1955, Ủy viên Bộ Chính trị năm 1956. Năm 1958, đồng chí được cử làm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Tại Ðại hội Ðảng lần thứ III, năm 1960, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Ðảng và Bộ Chính trị, được cử làm Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước; năm 1963 - 1964, đồng chí kiêm nhiệm cương vị Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước. Từ tháng 4/1965 đến tháng 5/1980, đồng chí được cử làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Năm 1982, tại Ðại hội Ðảng lần thứ V, đồng chí tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Ðảng và được phân công Thường trực Ban Nghiên cứu Chiến lược kinh tế - xã hội của Trung ương Ðảng và Chính phủ, là đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VII.

Đồng chí Nguyễn Duy Trinh là người giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao lâu năm nhất nước ta (4/1965 - 5/1980), trong đó có 10 năm chiến tranh chống Mỹ, cứu nước vô cùng khó khăn, gian khổ. Trong giai đoạn đó, mặt trận đối ngoại đã giành được những thắng lợi vẻ vang với đỉnh cao là quá trình đàm phán và ký kết Hiệp định Pa-ri theo phương thức vừa đánh vừa đàm. Các vòng đàm phán tại Hội nghị Pa-ri từ tháng 5/1968 đến tháng 1/1973 là cuộc đấu trí rất căng thẳng giữa ta với Mỹ. Sau gần 5 năm, với hơn 200 phiên họp công khai, 45 cuộc họp riêng cấp cao, 500 cuộc họp báo, 1.000 cuộc phỏng vấn, cuộc đàm phán thì Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được chính thức ký kết vào ngày 27/1/1973. Hiệp định Pa-ri là chiến thắng của một nền ngoại giao cách mạng, buộc Mỹ rút quân khỏi miền nam Việt Nam, tạo ra thế và lực mới cho cách mạng nước ta, tiến tới đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Quán triệt sâu sắc tư tưởng đối ngoại độc lập, tự chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cương vị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và phụ trách công tác đối ngoại của Ðảng, đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã lãnh đạo ngành đối ngoại hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ chính trị - đối ngoại vô cùng nặng nề, tranh thủ được sự ủng hộ to lớn của bạn bè, cộng đồng quốc tế cho sự nghiệp cách mạng của Việt Nam, hình thành một mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ cuộc đấu tranh chống Mỹ, cứu nước. Trong thời kỳ xây dựng đất nước sau hơn 30 năm chiến tranh, ngành Ngoại giao Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Ðảng và sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Duy Trinh vừa tranh thủ sự hỗ trợ của các nước XHCN và cộng đồng thế giới, vừa đấu tranh chống bao vây cấm vận, Ngành ngoại giao Việt Nam đã đạt nhiều kết quá rất quan trọng và chính thức trở thành thành viên của Liên hợp quốc, đánh dấu việc cộng đồng thế giới công nhận tính pháp lý và tư cách đại diện của Nhà nước ta tại tổ chức đa phương lớn nhất toàn cầu này.

               Tổ quốc và nhân dân ta mãi mãi ghi nhớ tài năng trí tuệ của đồng chí Nguyễn Duy Trinh, người đã đi qua nhiều chức vụ cao cấp của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là 20 năm giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và đã góp phần rất quan trọng vào thắng lợi chung của toàn dân tộc. Kinh nghiệm và bài học mà đồng chí Nguyễn Duy Trinh để lại trên mặt trận ngoại giao vẫn còn nguyên giá trị đối với quá trình hội nhập quốc tế của đất nước ta hôm nay. 


Đ/c Ngọc Hiền - BTG TU  (Cập nhật ngày 10-07-2020)    



Các tin liên quan:
  Nguyễn Hữu Thọ - Người đảng viên cộng sản kiên định, bất khuất (25-06-2020)
  Kỷ niệm 66 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2020) (05-05-2020)
  Đảng Cộng sản Việt Nam kiên định vận dụng sáng tạo tư tưởng của V.I. Lê-nin vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam thời kỳ đổi mới (22-04-2020)
  KỶ NIỆM 150 NĂM NGÀY SINH V.I. LÊNIN (22/4/1870 - 22/4/2020) (20-04-2020)
  GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG - LỄ HỘI ĐỀN HÙNG (01-04-2020)
       Thông báo
       Hình ảnh hoạt động
         Tìm kiếm tin tức
Từ khóa:
Mục tin:
             Thống kê người dùng
  Đang online:               6
  Số lượt truy cập: 2945145
Tạp chí Đảng Cộng Sản
Tạp chí Xây dựng Đảng
Tạp chí Công sản
Báo Bình Định
Bản quyền thuộc về: ĐẢNG ỦY KHỐI CÁC CƠ QUAN TỈNH BÌNH ĐỊNH .
Địa chỉ: 02A Trần Phú, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
ĐT: 0256. 3811425
Chịu trách nhiệm nội dung: VÕ THỊ THU HÒA - TUV, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Bình Định.