TƯ TƯỞNG LÊNIN SOI SÁNG SỰ NGHIỆP XÂY DỰNG VÀ HOÀN THIỆN NHÀ NƯỚC TA

Ảnh tư liệu: TTXVN

V.I. Lênin là nhà tư tưởng vĩ đại, nhà lý luận chính trị kiệt xuất; lãnh tụ lỗi lạc của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới; người bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác trong điều kiện chủ nghĩa tư bản chuyển từ giai đoạn tự do cạnh tranh sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực; người sáng lập ra Nhà nước Xô viết - nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới.

 

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Người đã để lại cho chúng ta những di sản lý luận về xây dựng đảng của giai cấp vô sản, cách mạng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền chuyên chính vô sản… Học thuyết của Lênin về nhà nước, nhà nước vô sản là một trong những di sản quý báu ấy.

 

Vấn đề quan trọng đầu tiên trong học thuyết của Lênin về nhà nước là về nguồn gốc và bản chất của nhà nước. Người viết: “(…) chưa chắc là có một vấn đề nào lại bị các đại biểu của khoa học, triết học, luật học, kinh tế chính trị học và báo chí tư sản, vô tình hay cố ý, làm cho rắc rối như vấn đề nhà nước” [1]. Trong bối cảnh cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa tư bản bước sang giai đoạn tột cùng của nó - chủ nghĩa đế quốc; mâu thuẫn của chủ nghĩa tư bản đã gay gắt đến tột độ. Trong khi đó, về mặt lý luận, những kẻ cơ hội chủ nghĩa của Quốc tế II đang chống lại các nguyên lý của chủ nghĩa Mác; những kẻ vô chính phủ tuyên truyền chống lại bất kỳ nhà nước nào; những kẻ nửa vô chính phủ, phản mác-xít lên tiếng chống lại chủ nghĩa Mác về nhà nước. Chính vì vậy, việc bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác về vấn đề nhà nước trở thành yêu cầu cấp thiết, khách  quan cả về lý luận của như thực tiễn.

 

Trên cơ sở nghiên cứu, phân tích sâu sắc các tác phẩm của Mác và Ăng-ghen, đặc biệt là tác phẩm “Nguồn gốc của gia đình, chế độ sở hữu tư nhân và nhà nước” của Ăng-ghen, Lênin đã nhấn mạnh rằng: Chỉ có chủ nghĩa Mác mới đưa ra được câu trả lời đúng đắn cho câu hỏi: Nhà nước là gì, nó xuất hiện khi nào và trên cơ sở nào, tại sao trong các thời kỳ lịch sử khác nhau, nhà nước mang các hình thức khác nhau và đóng vai trò khác nhau?

Lênin khẳng định rằng: Nhà nước là một hiện tượng lịch sử, nhà nước xuất hiện khi xã hội phân chia thành các giai cấp đối kháng. Người viết: “Nhà nước là sản phẩm và biểu hiện của những mâu thuẫn giai cấp không thể điều hoà được. Bất cứ ở đâu, hễ lúc nào và chừng nào mà, về mặt khách quan, những mâu thuẫn giai cấp không thể điều hoà được, thì nhà nước xuất hiện. Và ngược lại: sự tồn tại của nhà nước chứng tỏ rằng những mâu thuẫn giai cấp là không thể điều hoà được” [2].

 

Khẳng định bản chất giai cấp của nhà nước nói chung và cụ thể là nhà nước tư sản, dù chúng được thể hiện dưới những hình thức bên ngoài khác nhau, Người kết luận: “Những hình thức của nhà nước tư sản thì hết sức khác nhau, nhưng thực chất chỉ là một: chung quy lại thì tất cả những nhà nước ấy, vô luận thế nào cũng tất nhiên phải là nền chuyên chính tư sản.” [3].

 

Vấn đề thứ hai là: Làm thế nào để thay thế nhà nước tư sản? Từ thực tiễn chính trị xã hội bối cảnh hiện tại, Lênin khẳng định những mâu thuẫn cơ bản của chủ nghĩa tư bản phát triển đến giai đoạn “tột cùng” của nó là chủ nghĩa đế quốc và tính tất yếu của cách mạng xã hội chủ nghĩa. Người nhận xét rằng dưới chủ nghĩa đế quốc, cơ sở xã hội của cách mạng được mở rộng. Cách mạng bạo lực là con đường khách quan để thủ tiêu nhà nước tư sản, “Không có cách mạng bạo lực thì không thể thay thế nhà nước tư sản bằng nhà nước vô sản được” [4]. Cuộc cách mạng đó sẽ trở thành cuộc cách mạng nhân dân thực sự khi nó thu hút đại đa số dân cư trong xã hội,  đặc biệt là công nhân và nông dân bị bọn tư sản bóc lột. Người xác định nhiệm vụ của cách mạng vô sản là phải đập tan bộ máy nhà nước quân phiệt, quan liêu của giai cấp tư sản - “Phá vỡ bộ máy ấy, đập tan nó đi, đó là lợi ích thật sự của “nhân dân”, của đa số nhân dân, của công nhân và đa số nông dân”[5].

 

Vấn đề thứ ba: Lấy cái gì để thay bộ máy nhà nước đã bị phá huỷ? Trong “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản”, Mác và Ăng-ghen không muốn rơi vào không tưởng, chờ kinh nghiệm của phong trào quần chúng để giải đáp, các ông chỉ đề cập ở mức độ trừu tượng, thay bộ máy nhà nước bằng việc “tổ chức giai cấp vô sản thành giai cấp thống trị”, “giành lấy dân chủ”. Đến thời Lênin, từ thực tiễn cách mạng thế giới lúc bấy giờ, Người đã phát triển chủ nghĩa Mác, khẳng định rằng: “Bước chuyển từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa cộng sản, cố nhiên không thể không đem lại rất nhiều hình thức chính trị khác nhau, nhưng thực chất của những hình thức ấy tất nhiên sẽ chỉ là một, tức là: chuyên chính vô sản[6]. Trên cơ sở khẳng định của Ăng-ghen về Công xã Pa-ri: Công xã đã không còn là nhà nước theo đúng nghĩa của nó; Lênin đã nhận định đó là khẳng định hết sức quan trọng về mặt lý luận.

 

Lênin đã tập trung phân tích bản chất và nhiệm vụ của chuyên chính vô sản, vai trò tổ chức cực kỳ to lớn của nó trong việc xây dựng xã hội mới sau thắng lợi của cách mạng xã hội chủ nghĩa. Khẳng định luận điểm của chủ nghĩa Mác về nhà nước vô sản, Người nhấn mạnh: “Nhà nước, tức là giai cấp vô sản được tổ chức thành giai cấp thống trị”[7]. Bản chất của nhà nước vô sản thể hiện rằng nó không còn là nhà nước theo nguyên nghĩa của nó nữa mà là nửa nhà nước - chế độ dân chủ “từ chỗ là dân chủ tư sản đã biến thành dân chủ vô sản, từ chỗ là nhà nước (…) nó biến thành một cái gì thực ra không phải là nhà nước hiểu theo nghĩa thật sự nữa”[8].

 

Lênin đặc biệt nhấn mạnh tính chất dân chủ của nhà nước vô sản, đây là nhà nước kiểu mới, “Nhà nước dân chủ kiểu mới (dân chủ đối với những người vô sản và nói chung những người không có của), và chuyên chính kiểu mới (chống giai cấp tư sản)”[9]. Sự khác biệt cơ bản của nhà nước vô sản với nhà nước tư sản biểu hiện ở các hình thức tổ chức nhà nước và ở vai trò lịch sử mà nó thực hiện. Bộ  máy quản lý dân chủ là nét đặc trưng của nhà nước vô sản; nó ngày càng được hoàn thiện trong quá trình đất nước tiến dần lên chủ nghĩa cộng sản.

 

Những tư tưởng, lý luận của Lênin về nhà nước và cách mạng vô sản đã trở thành kim chỉ nam dẫn đường cho Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, thiết lập Nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới, mở đầu cho kỷ nguyên của chủ nghĩa xã hội hiện thực.

 

Tiếp thu học thuyết của Lênin, vận dụng sáng tạo vào điều kiện Việt Nam, Đảng ta dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ, xây dựng nên Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, hoàn thành cách mạng dân tộc giải phóng đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước, tiến hành sự nghiệp đổi mới đất nước hơn 30 năm qua. Tư tưởng của Lênin về nhà nước vô sản: Bản chất giai cấp công nhân, liên minh giai cấp công nhân và giai cấp nông dân, tính nhân dân, bản chất dân chủ xã hội chủ nghĩa, vai trò lãnh đạo của đảng vô sản với nhà nước… vẫn còn nguyên giá trị thời sự và cấp bách đối với chúng ta. Trong thời kỳ đổi mới, từ nhận thức, vận dụng sáng tạo lý luận và thực tiễn, Đảng ta đã khẳng định những đặc điểm thể hiện bản chất của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà Đảng và Nhân dân ta xây dựng, hoàn thiện, đó là:

 

- Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

 

- Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. 

 

- Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

 

- Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

 

Hiện nay, các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội chính trị chống phá quyết liệt, xuyên tạc, phủ nhận giá trị của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đặc biệt, chúng tập trung vào chống phá “cột trụ” của hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cho dù âm mưu, thủ đoạn thâm độc, tinh vi đến đâu chúng cũng nhất định thất bại bởi giá trị, ý nghĩa và sức sống của di sản của Lênin là trường tồn trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Đảng và Nhân dân ta luôn trung thành với những lý tưởng cao đẹp của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

 


[1] Lênin toàn  tập, Tập 39, NXB Tiến bộ, 1977, tr. 77.

[2] Sđd, Tập 33, 1976, tr.9.

[3] Sđd, Tập 33, tr. 44.

[4] Sđd, Tập 33, tr. 28.

[5] Sđd, Tập 33, tr. 49

[6] Sđd, Tập 33, tr. 44.

[7] Sđd, Tập 33, tr. 30.

[8] Sđd, Tập 33, tr. 52.

[9] Sđd, Tập 33, tr. 43.


ThS Trần Hoài Sơn - Trường Chính trị tỉnh  (Cập nhật ngày 20-04-2020)    



Các tin liên quan:
  GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG - LỄ HỘI ĐỀN HÙNG (01-04-2020)
  Tổng Bí thư, Chủ tịch nước kêu gọi đoàn kết để chiến thắng đại dịch (31-03-2020)
  TĂNG CƯỜNG TUYÊN TRUYỀN VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH nCoV (05-02-2020)
  Sân bay Phù Cát (Bình Định) đón chuyến bay quốc tế đầu tiên (06-01-2020)
       Thông báo
       Hình ảnh hoạt động
         Tìm kiếm tin tức
Từ khóa:
Mục tin:
             Thống kê người dùng
  Đang online:               9
  Số lượt truy cập: 2945170
Tạp chí Đảng Cộng Sản
Tạp chí Xây dựng Đảng
Tạp chí Công sản
Báo Bình Định
Bản quyền thuộc về: ĐẢNG ỦY KHỐI CÁC CƠ QUAN TỈNH BÌNH ĐỊNH .
Địa chỉ: 02A Trần Phú, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
ĐT: 0256. 3811425
Chịu trách nhiệm nội dung: VÕ THỊ THU HÒA - TUV, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Bình Định.