“Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành.” Đó là khát vọng lớn nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Người đã dành trọn cả cuộc đời mình để thực hiện khát vọng đó.

(Bến cảng Nhà rồng). Ảnh sưu tầm

          Khát vọng tìm con đường cách mạng mới để cứu nước, cứu dân

          Sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước, sống trong bối cảnh nước mất, nhà tan, người thanh niên Nguyễn Tất Thành sớm thấu hiểu tình cảnh đất nước và nỗi thống khổ của Nhân dân. Người nhận thấy được các phong trào cứu dân, cứu nước của các bậc tiền bối trước đó và đương thời diễn ra liên tục nhưng đều thất bại là do chưa có đường lối và tư tưởng cách mạng đúng đắn. Từ đó thôi thúc trong suy nghĩ, khơi dậy ý thức phải tìm con đường cách mạng mới để giải phóng tự do cho dân tộc của mình và điều đó được Nguyễn Tất Thành khẳng định: “Tôi muốn đi ra nước ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, Tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”.

          Ngày 05/6/1911, Người bắt đầu chuyến hành trình trên con tàu Amiral Latouche Tresville, mang theo khát vọng cháy bỏng: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”. Khát vọng ấy đã cùng Người bôn ba gần 30 năm, qua 3 đại dương, 4 châu lục, 28 nước. Từ những nơi trung tâm văn minh nhất thế giới tới những nơi bần cùng, đau khổ nhất của nhân loại để thấu hiểu cuộc sống của con người và tìm con đường cứu nước, cứu dân tộc Việt Nam. Khi đọc “Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin” Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy phương hướng, đường lối cơ bản của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc. Người đã gia nhập Quốc tế Cộng sản và tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, đánh dấu sự chuyển biến mang tính bước ngoặt trong tư tưởng của Người và hình thành con đường cách mạng Việt Nam và Người khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.

          Vạch ra con đường cứu nước đúng đắn, Nguyễn Ái Quốc về nước truyền bá chủ nghĩa Marx – Lenin và thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam để lãnh đạo cách mạng dành thắng lợi, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ngày 02/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc tuyên ngôn độc lập và khẳng định với thế giới: “… Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Ðó là sự mở đầu trong toàn bộ nỗ lực thực hiện khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam của Hồ Chí Minh.

 

Ảnh sưu tầm

          Khát vọng một nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập, tự do, các nhu cầu dân sinh của dân tộc được đảm bảo

          Song, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới khai sinh, chính thể cộng hòa dân chủ vừa mới ra đời nhưng độc lập, tự do của dân tộc không trọn vẹn. Thù trong, giặc ngoài bao vây tứ bề, kinh tế kiệt quệ, nạn đói cướp đi hơn 2 triệu đồng bào ở miền Bắc, nhân dân mù chữ hơn 95% dân số; thực dân Pháp chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa. Thì khát vọng độc lập, tự do cho Tổ quốc, cho đồng bào của Người đốt cháy cả “tâm can”, “trí lực”, điều đó được Hồ Chủ tịch trả lời phỏng vấn các nhà báo nước ngoài đầu năm 1946: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành". Ham muốn tột bậc của Người không chỉ là câu nói xuất phát từ đáy lòng mà còn là mục tiêu hành động thống nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Chủ tịch, một Người suốt đời vì nước, vì dân, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

          Muốn cho dân tộc Việt Nam được phồn vinh, hạnh phúc thì phải diệt giặc đói, diệt giặc dốt, bồi dưỡng nhân tài, xây dựng nền tảng kinh tế vững chắc, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, có chính sách mở cửa. Theo Người: ''Nước nhà đã giành được độc lập tự do mà dân vẫn còn đói nghèo cực khổ thì độc lập tự do không có ích gì''.

          Và Người đã tận tậm, tận sức làm những công việc đó. Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ ngày 03/9/1945, Người đã nêu sáu vấn đề cấp bách trong đó cứu đói là một trong sáu nhiệm vụ cấp bách hàng đầu, Người nói: “Nhân dân đang đói… Hơn hai triệu đồng bào chúng ta đã chết đói vì chính sách độc ác này… Những người thoát chết đói nay cũng bị đói. Chúng ta phải làm thế nào cho họ sống”. Người nêu ra biện pháp khắc phục: “Tôi đề nghị với Chính phủ là phát động một chiến dịch tăng gia sản xuất… Tôi đề nghị mở một cuộc lạc quyên. Mười ngày một lần, tất cả đồng bào chúng ta nhịn ăn một bữa. Gạo tiết kiệm được sẽ góp lại và phát cho người nghèo”. Bên cạnh giải quyết vấn đề nạn đói, Chính phủ ban hành sắc lệnh thành lập Nha Bình dân học vụ quyết định thành lập cho nông dân và thợ thuyền những lớp học bình dân buổi tối. Việc học chữ quốc ngữ bắt buộc và không mất tiền cho tất cả mọi người. “Tìm người tài đức” để phục vụ và kiến thiết đất nước. Phải xây dựng chế độ chính trị dân chủ, tiến bộ, thật sự vì dân, xây dựng đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội văn minh, tiến bộ với những giá trị đạo đức tốt đẹp. Muốn vậy, phải xây dựng nền tảng kinh tế vững chắc, có kế hoạch thực hiện với sự đồng lòng của Chính phủ và người dân.

          Trước dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa của thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động toàn quốc kháng chiến với quyết tâm: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Với lời hiệu triệu của Người và đường lối kháng chiến đúng đắn của Đảng ta, Nhân dân ta lần lượt đánh bại các kế hoạch chiến tranh của thực dân Pháp, đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Với thắng lợi này, chúng ta đã bảo vệ và phát triển thành quả của Cách mạng tháng Tám, đưa cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới: xây dựng miền Bắc theo con đường chủ nghĩa xã hội và tiếp tục tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc ở miền Nam, thống nhất đất nước.

          Dưới ngọn cờ lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Ðảng ta, "ham muốn tột bậc" của Người đã được toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta từng bước được hiện thực hóa. Tuy nhiên cho đến ngày Bác đi xa, nhiều điều vẫn còn chưa trọn vẹn.

 

Ảnh sưu tầm

          Khát vọng cuối cùng của Người trước lúc đi xa: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

          Khát vọng "nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành" còn đang dang dỡ khi Người đến 79 mùa xuân về bên kia của thế giới vĩnh hằng để gặp tổ tiên, ông bà, gặp cụ C.Mác, cụ Lênin. Người ra đi là tổn thất nặng nề và để lại niềm tiếc thương vô hạn cho Đảng ta, dân tộc ta và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Người tin tưởng thắng lợi cuối cùng sẽ đến với dân tộc ta, Người căn dặn: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể còn kéo dài. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao, chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn. Còn non, còn nước, còn người. Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay! Dù khó khǎn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”.  Thực hiện tâm nguyện của Người và cũng là khát vọng của dân tộc, Đảng ta đã lãnh đạo hệ thống chính trị và cùng với Nhân dân đánh đuổi đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, Bắc – Nam sum họp một nhà, giang sơn thống nhất, đồng bào ta được tự do, Nhân dân ta được hưởng hạnh phúc.

          Và mong muốn cuối cùng của Người: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Qua từng giai đoạn cách mạng, Đảng ta có nhiều chủ trương sát, đúng để lãnh đạo Nhà nước phát triển kinh tế, vǎn hóa, xã hội, không ngừng nâng cao đời sống cho Nhân dân. Đại hội XIII của Đảng đánh giá: “Nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới,… đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

 

Ảnh sưu tầm

          Ý chí, khát vọng độc lập của Tổ quốc, hạnh phúc cho Nhân dân, hùng cường cho dân tộc và tấm gương mẫu mực suốt đời phụng sự đất nước, phục vụ Nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là động lực, tư tưởng soi đường cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc, vì một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc. Nhất là, Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã biểu thị quyết tâm: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.


Đ/c Nguyễn Hữu Lộc - PBT TT ĐUK CCQ  (Cập nhật ngày 12-07-2021)    



Các tin liên quan:
  Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị (khóa XII) (14-06-2021)
  Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW và nghiên cứu, học tập chuyên đề toàn khóa - chuyên đề năm 2021 (14-06-2021)
  PHÁT HUY TINH THẦN TUỔI CÀNG CAO, GƯƠNG CÀNG SÁNG (04-06-2021)
  Kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" (20-05-2021)
  Kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (18-05-2021)
       Thông báo
       Hình ảnh hoạt động
         Tìm kiếm tin tức
Từ khóa:
Mục tin:
             Thống kê người dùng
  Đang online:               8
  Số lượt truy cập: 2958977
Tạp chí Đảng Cộng Sản
Tạp chí Xây dựng Đảng
Tạp chí Công sản
Báo Bình Định
Bản quyền thuộc về: ĐẢNG ỦY KHỐI CÁC CƠ QUAN TỈNH BÌNH ĐỊNH .
Địa chỉ: 02A Trần Phú, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
ĐT: 0256. 3811425
Chịu trách nhiệm nội dung: VÕ THỊ THU HÒA - TUV, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Bình Định.