BÁC HỒ VỀ NƯỚC - ĐƯA CÁCH MẠNG VIỆT NAM ĐẾN TOÀN THẮNG

Bác Hồ làm việc tại Pác Bó (Ảnh tư liệu)

     Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, ngày 28/1/1941 (Tức ngày mồng 2 Tết Tân Tỵ), Bác Hồ trở về nước qua cột mốc 108 (cột mốc này được dựng theo Hiệp ước Pháp - Thanh cuối thế kỷ XIX, bên cạnh cột mốc 108 là cột mốc quốc giới 675), tại xóm Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng (tỉnh Cao Bằng), sự kiện đó đã đi vào lịch sử dân tộc như một trong những dấu ấn đặc biệt quan trọng, mở ra thời kỳ phát triển mới của cách mạng Việt Nam, từng bước đưa dân tộc Việt Nam đi tới những chiến thắng vang dội.

     Khi về nước, khát khao cháy bỏng của Bác là vận động, tập hợp, huấn luyện quần chúng nhân dân đấu tranh giành tự do độc lập... Nhưng để thực hiện khát vọng ấy, Bác đã phải trải qua một chặng đường dài đầy gian lao, thách thức. Đã nhiều lần Người tìm đường trở về Tổ quốc nhưng đều không thực hiện được. Trong lúc này, tình hình thế giới có nhiều biến chuyển nhanh chóng, đặc biệt là sự ác liệt và quy mô rộng lớn của cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai, đang mở ra nhiều cơ hội cho phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới…. Nhận thấy cơ hội giải phóng cho dân tộc ta đang đến gần, Bác đã triệu tập ngay cuộc họp với các đồng chí trong Ban chỉ huy ở ngoài của Đảng ta, phân tích tình hình và chỉ rõ: “Đây là thời cơ thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm mọi cách về nước để tranh thủ nắm thời cơ. Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng”. Tình hình trong nước cũng có nhiều thay đổi: Pháp đầu hàng Nhật, hệ thống chính quyền tay sai của Pháp ở một số nơi hoang mang, tan rã; nhân dân các dân tộc huyện Bắc Sơn (tỉnh Lạng Sơn) nổi dậy vũ trang giành chính quyền, Đội du kích Bắc Sơn được thành lập, nhân dân Nam Kỳ cũng đang ráo riết chuẩn bị khởi nghĩa...

     Cuối tháng 10/1940, Bác cùng một số cán bộ rời Côn Minh về Quế Lâm (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc). Sau đó, vào cuối tháng 12/1940, Người tiếp tục rời Quế Lâm đi xuống Tĩnh Tây (tỉnh Quảng Tây) để tìm đường về nước. Sau Tết Dương lịch năm 1941, đồng chí Hoàng Văn Thụ từ trong nước sang đã gặp được Bác. Thay mặt Trung ương Đảng, đồng chí báo cáo với Người tình hình trong nước và những công việc đang thực hiện, đồng thời đề nghị Bác nên chọn hướng Cao Bằng để về nước, vì đó là tỉnh biên giới có phong trào cách mạng sớm, nhân dân giác ngộ cao và đội ngũ cán bộ tương đối vững vàng, liên lạc quốc tế thuận tiện...

     Mấy ngày sau, Bác cùng các đồng chí: Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Phùng Chí Kiên, Đặng Văn Cáp được đồng chí Hoàng Sâm dẫn đường, qua Nậm Bo xuống Nậm Quang (sát biên giới Việt - Trung). Ngày 28/01/1941 (mồng 2 Tết), Người rời Nậm Quang lên đường về nước. Buổi trưa, Người về đến biên giới Việt - Trung, đoạn cột mốc 108. Lòng bồi hồi, xúc động khi đặt bước chân đầu tiên lên dải đất quê hương, Bác lặng đi trong phút giây thiêng liêng được về với Tổ quốc, với đồng bào sau gần ba mươi năm xa cách. Để thuận lợi cho công tác, Người chọn hang Cốc Bó - một hang núi kín đáo ở thôn Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng (tỉnh Cao Bằng) làm nơi làm việc.

     Với danh nghĩa đại diện Quốc tế Cộng sản, tháng 5/1941, Bác đã triệu tập và chủ trì Hội nghị lần thứ tám của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Trên cơ sở phân tích sâu sắc tình hình, đặc biệt là tình hình kinh tế, chính trị, xã hội trong nước, Hội nghị đề cập nhiều vấn đề quan trọng. Hội nghị nhất trí cần giương cao ngọn cờ độc lập và có sự thay đổi cả về chiến lược, sách lược cách mạng nhằm động viên toàn dân cho việc thực hiện thắng lợi mục tiêu lớn lao ấy. Theo đề nghị của Bác, Hội nghị đã quyết định thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi mang tên Việt Nam Độc lập Đồng minh (gọi tắt là Mặt trận Việt Minh). Ngày 19/5/1941, Mặt trận Việt Minh chính thức ra đời với Tuyên ngôn và Chương trình cụ thể, nêu rõ những chính sách cơ bản về chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, xã hội, ngoại giao và các chính sách cụ thể đối với các tầng lớp nhân dân nhằm liên hiệp tất cả các giới đồng bào yêu nước.

     Để động viên toàn thể đồng bào thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ tám của Đảng, tham gia xây dựng và không ngừng mở rộng Mặt trận Việt Minh, ngày 06/6/1941, Bác viết thư Kính cáo đồng bào, gửi đến các tầng lớp nhân dân trong cả nước và kêu gọi toàn thể đồng bào tiến lên, đoàn kết thống nhất đánh đuổi Pháp, Nhật… Cùng trong thời gian này, một vấn đề quan trọng được Bác đặc biệt quan tâm là mở các lớp huấn luyện để đào tạo và bồi dưỡng cán bộ. Không chỉ trực tiếp tham gia giảng bài tại các lớp học, Người còn biên soạn một số tài liệu quan trọng phục vụ cho công tác huấn luyện, đào tạo cán bộ.

     Sau gần 30 năm (1911 - 1941) bôn ba tìm đường cứu nước, vượt qua biết bao khó khăn, trở ngại, Bác Hồđã trở về với đất nước thân yêu. Dưới sự chủ trì của Bác, Hội nghị Trung ương lần thứ tám với sự thay đổi chiến lược, sách lược cách mạng trong việc giải quyết một cách đúng đắn mối quan hệ giữa nhiệm vụ dân tộc và giai cấp, dân tộc và dân chủ trong điều kiện cụ thể của Việt Nam chính là sự hoàn chỉnh nội dung các nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ sáu và Hội nghị Trung ương lần thứ bảy trước đó. Sự thay đổi chiến lược một cách kịp thời, đầy sáng tạo này đã đáp ứng được khát vọng độc lập, tự do của toàn dân tộc, phù hợp với bối cảnh cụ thể của cách mạng nước ta, thực chất là sự trở lại với tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường của cách mạng Việt Nam đã được nêu trong Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt từ đầu năm 1930, góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng ngày càng phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ và “rộng rãi đến một trình độ xưa nay chưa từng thấy trong lịch sử cách mạng nước ta”, đưa cách mạng đến thắng lợi trong cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám (1945) và sau đó là chiến thắng Điện Biên Phủ (1954), đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước…

     Với ý nghĩa lớn lao đó, sự kiện Bác về nước vào mùa Xuân năm 1941 là một mùa xuân đặc biệt trong cuộc đời bảy mươi chín mùa xuân của Người, vì đó là mùa xuân đầu tiên Bác trở về Tổ quốc, kết thúc chặng đường dài sau gần ba mươi năm bôn ba tìm đường cứu nước, hoạt động ở nước ngoài, để rồi từ đó trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam và cùng Đảng ta đem lại những mùa xuân cho dân tộc.


Đ/c Ngọc Hiền - BTG TU  (Cập nhật ngày 26-01-2021)    



Các tin liên quan:
  Học Bác, chăm sóc và giáo dục trẻ em (29-05-2020)
  TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH VIỆC HỌC TẬP VÀ LÀM THEO BÁC TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY (11-05-2020)
  Thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế (01-04-2020)
  Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ thiêng liêng với lịch sử, với Đảng, Bác Hồ và Nhân dân (24-03-2020)
  Tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh tiếp tục soi sáng con đường đổi mới của Đảng, của nhân dân ta (20-03-2020)
       Thông báo
       Hình ảnh hoạt động
         Tìm kiếm tin tức
Từ khóa:
Mục tin:
             Thống kê người dùng
  Đang online:               19
  Số lượt truy cập: 2944206
Tạp chí Đảng Cộng Sản
Tạp chí Xây dựng Đảng
Tạp chí Công sản
Báo Bình Định
Bản quyền thuộc về: ĐẢNG ỦY KHỐI CÁC CƠ QUAN TỈNH BÌNH ĐỊNH .
Địa chỉ: 02A Trần Phú, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
ĐT: 0256. 3811425
Chịu trách nhiệm nội dung: VÕ THỊ THU HÒA - TUV, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Bình Định.