Đại hội XII của Đảng khẳng định, đại đoàn kết dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Một trong những cơ sở quan trọng để Đảng ta khẳng định chiến lược đó là việc kế thừa, bổ sung và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc, xây dựng Đảng và các đoàn thể quần chúng nhân dân trong sạch vững mạnh. Bác tổng kết: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công. Đó là một chân lý lớn của một thời đại. Đại đoàn kết toàn dân tộc là bao trùm cả Việt Nam, là một quốc gia có kết cấu đa tộc người; là dân tộc Việt Nam sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam và cộng đồng Việt Nam không chỉ ở trong nước mà còn ở nước ngoài. Cho nên đại đoàn kết toàn dân tộc là một tư tưởng lớn mà chúng ta phát hiện ra trong các tác phẩm di sản của Bác. Đoàn kết dân tộc phải tất yếu, tự nhiên mở rộng đến đại đoàn kết toàn dân tộc. Bác luôn chăm lo đến đời sống của nhân dân trên khắp miền đất nước, nhất là nhân dân ở vùng miền núi xa xôi. Bác thường xuyên về làm việc với chính quyền và nhân dân ở địa phương, viết thư hỏi thăm đồng bào. Bác luôn căn dặn chính quyền phải chăm lo cho đời sống của nhân dân, làm cho dân đủ ăn, đủ mặc, trẻ em phải được học hành, người già phải được chăm sóc, dưỡng bệnh. Đây là mục tiêu cao cả của đại đoàn kết dân tộc, vì cuộc sống của nhân dân.

     Theo đúng chỉ dẫn Hồ Chí Minh đây là một luận điểm rất quan trọng, Bác nói: Đoàn kết là điểm mẹ (điểm mẹ là điểm gốc) điểm mẹ mà mạnh khỏe, tốt đẹp thì sinh ra con cháu đều tốt. Đó là vai trò của đoàn kết. Để chúng ta tiếp tục phân biệt với một luận điểm khác của Bác nói về chủ nghĩa cá nhân: Chủ nghĩa cá nhân là bệnh mẹ sinh ra biết bao nhiêu trăm nghìn bệnh con xấu xa hư hỏng. Như vậy, đoàn kết là tích cực, là điểm mẹ còn chủ nghĩa cá nhân nhân là giặc nội xâm trong lòng, là bệnh mẹ.

 

     Đồng chí Lê Duẩn đã nhấn mạnh trong hội nghị cán bộ cao cấp của Đảng: Đoàn kết là sức mạnh, là sự liên kết. Đoàn kết ở các nước gọi là hợp tác, là chia sẻ, cộng đồng trách nhiệm. Còn ta đoàn kết là liên kết các sức mạnh từ cá thể đến cộng đồng, đoàn kết để tạo nên lực lượng, nhất là giữa quân và dân như cá với nước. Đầu năm 1951, tại hội nghị đại biểu Mặt trận Liên – Việt toàn quốc, Người vạch rõ: “ Đại đoàn kết tức là trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân ta là công nhân, nông dân và các tầng lớp lao động khác. Người cũng chỉ rõ: “Đoàn kết là một chính sách dân tộc, không phải là một thủ đoạn chính trị. Ta đoàn kết để đấu tranh cho thống nhất và độc lập của tổ quốc, ta còn phải đoàn kết để xây dựng nước nhà. Ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự tổ quốc và phục vụ nhân dân thì ta đoàn kết với họ”. Từ thực tiễn cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh đã khái quát luận điểm có tính chân lý về vai trò của khối đại đoàn kết, đó là: “Đoàn kết làm ra sức mạnh”; “Đoàn kết là sức mạnh, đoàn kết là thắng lợi”; “Đoàn kết là sức mạnh, là then chốt của thành công”...

 

     Để huy động sức mạnh của toàn dân trong công cuộc giải phóng thực dân Pháp, năm 1941 Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh gọi tắt là Việt Minh đã ra đời với liên hiệp hết thảy các từng lớp nhân dân không phân biệt tôn giáo, đảng phái, xu hướng chính trị nào, giai cấp nào, đoàn kết chiến đấu để đánh đuổi Pháp - Nhật giành quyền độc lập cho xứ sở. Chương trình cứu nước của Việt Minh gồm 44 điểm mà tinh thần cơ bản là cốt thực hiện được hai điều: “Làm cho nước Việt Nam hoàn toàn được độc lập. Làm cho dân Việt Nam được sung sướng tự do”. Việt Minh đã quy tụ được nhiều tầng lớp nhân dân là lập ra được nhiều hội Công nhân cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Thanh niên cứu quốc…. Mặt trận Việt Minh – hình thức mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi nhằm tập hợp và phát huy nguồn sức mạnh của quần chúng nhân dân trong quá trình tiến hành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Đây là là một sách lược tài tình của Đảng và Hồ Chí Minh  nhằm khơi nguồn sức mạnh nội sinh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nhằm thực hiện khát vọng giành độc lập, tự do.


     Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thành công, ngày 2/9/1945, tại Ba Đình (Hà Nội), thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố nền độc lập của dân tộc trước toàn thể quốc dân đồng bào và thế giới. Sự thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là biểu tượng sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc, của khối đại đoàn kết toàn dân dưới sự dẫn dắt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

      Đoàn kết bây giờ còn là xây dựng cơ cấu xã hội. Cơ cấu mở rộng đa dạng trong nền kinh tế thị trường không còn bó gọn là công, nông, trí thức mà bây giờ doanh nhân xuất hiện trong cơ cấu xã hội. Dựa vào sự đoàn kết để tạo nên sức mạnh thực hiện mục tiêu và lý tưởng. Phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” làm điểm tương đồng; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, tăng cường quan hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo sinh lực mới của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tư tưởng đại đoàn kết của Bác vừa là đường lối chiến lược về chính trị cũng vừa là chính sách chính trị. Nhất là đối đối với Đảng, Nhà nước, tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc chính là phương thức và là động lực phát triển của cách mạng. Đoàn kết thì chiến thắng mà chia rẽ thì thất bại, đoàn kết thì mạnh, chia rẽ thì yếu.

 

     Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc tập trung vào ba nội dung quan trọng.

 

     Thứ nhất, đoàn kết trong Đảng. Ta nói nội dung đoàn kết là nói một cách toàn diện, Bác nhấn mạnh đoàn kết trong Đảng là hạt nhân, rõ nhất là trong Di chúc: Các đồng chí từ Trung ương đến chi bộ phải giữ gìn đoàn kết nhất trí như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Đoàn kết trong Đảng là gương mẫu để cho dân theo. Một tấm gương sống còn quý hơn một trăm bài diễn văn. Đảng viên đi trước, làng nước theo sau. Và đoàn kết trong Đảng nó liên quan đến tính Đảng, tính nguyên tắc của Đảng, tính kỷ luật của Đảng. Đoàn kết là thước đo về Đảng mạnh hay Đảng yếu, nhất là khi Đảng đã cầm quyền. Khi chưa cầm quyền thì động cơ vào Đảng hết sức cao thượng.

     Tháng 8/1945 Đảng ta chưa được 5 ngàn đảng viên nhưng đã lãnh đạo làm nên một cuộc cách mạng vĩ đại, còn bây giờ Đảng ta gần 90 năm lịch sử, có liên tục 75 năm cầm quyền đội ngũ đảng viên đông gấp 1000 lần thế mà đã có lúc Đảng ta cay đắng thừa nhận: Đảng đông nhưng không mạnh. Gần đây nhất, trong văn kiện Đại hội XII của Đảng nhận công khai: Trên thực tế Đảng chưa trong sạch, vững mạnh thực sự. Bộ máy Đảng, Nhà nước, đoàn thể chậm được sắp xếp lại cho tinh giản và nâng cao chất lượng, còn nhiều biểu hiện quan liêu, vi phạm quyền dân chủ của nhân dân. Một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng cách mạng, tha hoá về phẩm chất đạo đức; sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở Đảng chưa cao. Chất lượng sinh hoạt Đảng, tính chiến đấu trong tự phê bình và phê bình còn yếu, thực hiện trách nhiệm nêu gương của đảng viên nhiều nơi thiếu nền nếp, chưa trở thành ý thức tự giác. Chưa đạt hiệu quả cao trong đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng,… Như vậy chúng ta thấy đoàn kết trong Đảng có tầm quan trọng rất lớn, đồng thời là nguyên tắc quan trọng nhất của Đảng.

 

     Thứ hai, đoàn kết giữa dân với Đảng. Trong 6 tiêu chuẩn Bác căn dặn về đảng viên là các đồng chí đảng viên phải chân thành học hỏi các quần chúng ngoài Đảng. Khi viết tác phẩm Đời sống mới, Bác đưa ra triết lý sống: Mình hơn người chớ có kiêu căng, người hơn mình chớ có nịnh hót, thấy của của người chớ có tham lam, đối với của mình chớ có bủn xỉn. Đó là ứng xử giữa mình với mình, mình với người khác, mình với tổ chức đoàn thể nhân dân. Đoàn kết trong Đảng, trong dân là rất quan trọng. Ở đây Bác vận dụng đoàn kết trong Đảng, trong dân để phát huy tối đa sức mạnh toàn dân và nó biểu hiện trong phép dùng người của Bác đó. Bác là một người có bản lĩnh, dùng người theo thực đức và thực tài. Không câu nệ có Đảng hay không Đảng, như trước khi nhận chức Bộ trưởng Giáo dục Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên chưa là đảng viên; hay việc Bác cử Trung tướng Nguyễn Bình vào Nam giữ chức vụ Tư lệnh Đông Nam bộ khi chưa phải là đảng viên. Bác rất giống Lênin ở điểm dùng khái niệm người cộng sản ngoài Đảng.

 

     Thực hiện đại đoàn kết toàn dân phải kế thừa truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, tinh thần cộng đồng của dân tộc Việt Nam; phải có lòng khoan dung, độ lượng, tin vào nhân dân, tin vào con người; đồng thời luôn đứng vững trên lập trường của giai cấp công nhân, thực hiện đại đoàn kết với phương châm “nước lấy dân làm gốc”. Truyền thống này được hình thành, củng cố và phát triển trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc, trở thành giá trị bền vững, thấm sâu vào tư tưởng, tình cảm, tâm hồn của mỗi người Việt Nam, được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Đó chính là cội nguồn, sức mạnh vô địch để cả dân tộc chiến đấu và chiến thắng mọi thiên tai, địch họa, làm cho đất nước trường tồn, bản sắc dân tộc được giữ vững. Người cũng nhấn mạnh, trong mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng đều có những ưu, nhược điểm. Cho nên, vì lợi ích của cách mạng phải có lòng khoan dung, độ lượng, trân trọng cái phần thiện dù là nhỏ nhất ở mỗi con người mới có thể tập hợp, quy tụ rộng rãi mọi lực lượng. Theo Người: trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều là dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ, ta phải nhận rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối, lầm đường, ta phải dùng tình thân ái mà cảm hóa họ. Có như thế mới thành đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai chắc chắn vẻ vang.

 

     Thứ 3, đoàn kết quốc tế. Đoàn kết quốc tế là một lĩnh vực rất đặc sắc, có bản lĩnh phong cách của Bác. Đây là cả một lĩnh vực rất quan trọng, Bác không chỉ là một người yêu nước, Bác còn là hiện thân của sự trung thành của chủ nghĩa quốc tế chân chính. Tác phẩm đầu tiên Đường cách mệnh, Bác đã xác định ngay từ đầu là cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới. Bác kết hợp nhuần nhuyễn giữa chủ nghĩa yêu nước chân chính của dân tộc với chủ nghĩa quốc tế chân chính của giai cấp công nhân. Bác nói: Quan sơn muôn dặm một nhà, bốn phương vô sản đều là anh em. Có một khẩu hiệu trong Tuyên ngôn Đảng CS mà từ Ănghen đến Lênin và đến Hồ Chí Minh được phát triển liên tục và đến Bác thì có thể nói là đặc sắc nhất. Nhất là từ lăng kính đại đoàn kết. Mác, Ănghen kết thúc Tuyên ngôn nói: Vô sản toàn thế giới liên kết lại. Lênin bổ sung một quan điểm quan trọng: Các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại. Còn đến Hồ Chí Minh của chúng ta thì nói: Tất cả mọi người lao động đoàn kết lại. Khẩu hiệu của Bác là mở rộng biên độ cao nhất về đại đoàn kết. Tất cả mọi người lao động đoàn kết lại. Đây là đóng góp lớn lao của Bác về sự phát triển lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin xung quanh về Đảng và về đoàn kết. Bác phân biệt rất rõ ràng, thực dân Pháp, đế quốc Mỹ là kẻ thù nhưng nước Pháp là văn minh và cao thượng, dân tộc Pháp, dân tộc Mỹ là văn minh hiện đại. Bác tranh thủ tối đa tình bạn, khắc phục tối đa khác biệt, bất đồng và dùng sức mạnh chính thiện để chống lại cái phi nghĩa.

 

     Trước lúc đi xa Bác căn dặn Đảng ta phải có trách nhiệm củng cố tình đoàn kết các đảng các nước lại: “Suốt đời phục vụ cách mạng và nhân dân, tôi càng tự hào về cách mạng bao nhiêu, tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hòa của các đảng anh em. Tôi mong Đảng ta làm hết sức mình để củng cố tình đoàn kết các đảng các nước lại, và tôi tin chắc rằng các đảng anh em rồi nhất định sẽ đoàn kết lại”.

 

     Với tình hình quốc tế và trong nước hiện nay, đường lối chiến lược tăng cường phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đang trở thành nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng và cấp bách của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Trong bối cảnh nước ta đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng. Do vậy, nước ta đang đứng trước nhiều cơ hội lớn, nhưng cũng sẽ gặp nhiều thách thức, khó khăn lớn trên con đường phát triển, như các thế lực phản động không ngừng tìm mọi cách thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, chống phá sự nghiệp cách mạng của Nhân dân ta, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, lợi dụng các vấn đề “nhân quyền”, “ dân tộc”, “tôn giáo” hòng li gián, chia rẽ nội bộ Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Bên cạnh đó là nạn tham nhũng, tệ quan liêu cũng như sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đã và đang cản trở việc thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, gây bất bình và làm giảm niềm tin trong nhân dân.

     Do vậy, trong giai đoạn hiện nay, cần phải tiếp tục quán triệt và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về Đại đoàn kết trong tình hình mới, theo đó cần chú ý một vấn đề sau đây:

 

     Một là, phải thấu suốt quan điểm đại đoàn kết toàn dân tộc là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

     Hai là, đại đoàn kết là sự nghiệp của cả dân tộc, của cả hệ thống chính trị mà hạt nhân lãnh đạo là Đảng ta, được thực hiện bằng nhiều biện pháp, hình thức, trong đó các chủ trương của đảng, chính sách pháp luật của nhà nước có ý nghĩa quan trọng hàng đầu.

 

     Ba là, bảo đảm công bằng và bình đẳng xã hội, chăm lo lợi ích thiết thực, chính đáng, hợp pháp của các giai cấp, các tầng lớp nhân dân; kết hợp hài hòa các lợi ích cá nhân - tập thể - toàn xã hội; thực hiện dân chủ gắn với giữ gìn kỷ cương, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí; không ngừng bồi dưỡng, nâng cao tinh thần yêu nước, ý thức độc lập dân tộc, thống nhất tổ quốc, tinh thần tự lực tự cường xây dựng đất nước; xem đó là những yếu tố quan trọng để củng cố và phát triển khối đại đoàn kết dân tộc.


Nguyễn Hữu Lộc - PBT TT ĐUK CCQ  (Cập nhật ngày 17-01-2020)    



Các tin liên quan:
  Tỉnh Bình Định chú trọng xây dựng Đảng về đạo đức (17-12-2019)
  Giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc (15-11-2019)
  Bài 1: Cán bộ trước hết 'phải làm mực thước cho người ta bắt chước' (30-10-2019)
  Kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ viết bài báo Dân vận (15.10.1949 - 15.10.2019) (14-10-2019)
  Qua 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Bình Định (11-09-2019)
       Thông báo
       Hình ảnh hoạt động
         Tìm kiếm tin tức
Từ khóa:
Mục tin:
             Thống kê người dùng
  Đang online:               3
  Số lượt truy cập: 2944483
Tạp chí Đảng Cộng Sản
Tạp chí Xây dựng Đảng
Tạp chí Công sản
Báo Bình Định
Bản quyền thuộc về: ĐẢNG ỦY KHỐI CÁC CƠ QUAN TỈNH BÌNH ĐỊNH .
Địa chỉ: 02A Trần Phú, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
ĐT: 0256. 3811425
Chịu trách nhiệm nội dung: VÕ THỊ THU HÒA - TUV, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Bình Định.