“XẺ DỌC TRƯỜNG SƠN ĐI CỨU NƯỚC”

Thắng lợi vẻ vang của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ (1945 - 1954) buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Đất nước ta tạm bị chia cắt thành hai miền. Miền Bắc được giải phóng. Ở miền Nam, đế quốc Mỹ trực tiếp can thiệp, dựng lên chế độ tay sai, xóa bỏ Hiệp định Giơ-ne-vơ, đàn áp dã man phong trào cách mạng, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta và thôn tính miền Bắc. Nhân dân ta tiếp tục cuộc chiến đấu chống xâm lược Mỹ và bè lũ tay sai nhằm giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị về chi viện cho miền Nam, tổ chức tuyến giao liên vận tải quân sự Trường Sơn, ngày 19/5/1959, Thường trực Tổng Quân ủy chính thức giao nhiệm vụ cho “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” mở đường, vận chuyển hàng quân sự chi viện cho miền Nam; tổ chức đưa đón cán bộ, bộ đội; chuyển công văn, tài liệu từ Bắc vào Nam và từ Nam ra Bắc. Do vậy, ngày 19/5/1959 trở thành ngày truyền thống của “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” - Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn.

Lực lượng ban đầu của Đoàn gồm 500 cán bộ, chiến sỹ được tổ chức thành tiểu đoàn giao liên vận tải 301 và các bộ phận: xây dựng bảo quản kho, bao gói hàng, sửa chữa vũ khí, chế biến thực phẩm và vận chuyển vào chiến trường,…

Đoàn 559 chọn Khe Hó, nằm giữa một thung lũng ở Tây Nam Vĩnh Linh là địa điểm xuất phát đầu tiên của tuyến đường lịch sử tiến vào Trường Sơn soi đường, lập trạm, lấy sức người gùi là chính trên con đường nhỏ hẹp. Khẩu hiệu  có tính chất mệnh lệnh lúc đó là “Ở không nhà, đi không để dấu, nấu không để khói, nói không thành tiếng”. Các “đường dây” gùi hàng phải chủ động tránh địch, tránh cả dân để bảo toàn lực lượng, bảo đảm “tuyệt đối bí mật, an toàn” của tuyến đường.

Ngày 13/8/1959, chuyến hàng đầu tiên chính thức vượt Trường Sơn. Sau 8 ngày đêm vượt sông sâu, suối dữ, đèo cao và hệ thống đồn bốt chốt chặt nghiêm ngặt của địch, hàng được bàn giao cho chiến trường Trị Thiên (20 khẩu tiểu liên tuyn, 20 khẩu súng trường mát, 10 thùng đạn tiểu liên và súng trường). Đây là mốc có ý nghĩa to lớn đối với cách mạng Việt Nam.

Cũng trong tháng 5/1959, Tổng Quân ủy, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đoàn B90 tăng cường cho Liên khu V soi đường nối hai chiến trường Khu V và Nam bộ, nối thông hành lang chiến lược Nam - Bắc. Đoàn B90 (gồm 25 cán bộ, chiến sỹ) ngày 20/6/1959 vượt thượng nguồn sông Bến Hải theo đường giao liên hành quân qua miền Tây Trị - Thiên vào Quảng Nam. Tiếp đó Liên khu V quyết định sáp nhập Đoàn B90 với đội vũ trang công tác tỉnh Đắk Lắk lấy phiên hiệu là B4. B4 chia thành 2 bộ phận soi đường vào Nam bộ.

Do vị trí hết sức quan trọng của tuyến vận tải quân sự chiến lược - Đường Hồ Chí Minh, nên đế quốc Mỹ và tay sai đã tìm trăm phương, nghìn kế để đánh phá, ngăn chặn với đủ loại phương tiện, vũ khí chiến tranh hiện đại. Cuộc chiến đấu giữa ngăn chặn và chống ngăn chặn trên đường Hồ Chí Minh đã diễn ra ngày càng ác liệt.

Trước yêu cầu ngày càng lớn của cách mạng miền Nam, Đoàn 559 phải phát triển nhanh chóng cả lực lượng và phương thức vận chuyển. Với chân lý sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”, “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, cả nước đã đứng lên “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” với tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Từ sức mạnh đó, Đoàn 559 từ một đơn vị nhỏ bé ban đầu đã trưởng thành nhanh chóng, bao gồm đủ các lực lượng công binh, vận tải, pháo cao xạ, bộ binh, giao liên, thông tin, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến… thật sự trở thành một hướng chiến trường tổng hợp, lực lượng hiệp đồng binh chủng trên quy mô lớn “Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”, luôn luôn chủ động đáp ứng sự lớn mạnh của các hướng chiến trường. Quân số toàn Đoàn 559 có lúc lên tới 20 vạn người.

Bằng sự cống hiến, hy sinh to lớn của mình, bộ đội đường Hồ Chí Minh đã lập nên kỳ tích anh hùng, làm nên con đường huyền thoại, góp phần to lớn vào sự toàn thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Bộ đội đường Hồ Chí Minh xứng đáng được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và Huân chương Hồ Chí Minh.


Quang Lợi - Chi bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy  (Cập nhật ngày 17-05-2019)    



Các tin liên quan:
  Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019) (17-05-2019)
  Kết quả thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thanh niên và công tác thanh niên của Đảng tại Đoàn Khối các cơ quan tỉnh Bình Định (14-05-2019)
  VIỆC TRIỂN KHAI HỌC TẬP VÀ THỰC HIỆN LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH CỦA CÁN BỘ KIỂM SÁT NGÀNH KSND BÌNH ĐỊNH TRONG THỜI GIAN QUA (13-05-2019)
  Sơ kết 03 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. (10-05-2019)
  50 NĂM THỰC HIỆN “DI CHÚC” CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỀ XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ SỰ ĐOÀN KẾT, THỐNG NHẤT TRONG ĐẢNG TẠI ĐẢNG BỘ KHỐI CÁC CƠ QUAN TỈNH (08-05-2019)
       Thông báo
       Hình ảnh hoạt động
         Tìm kiếm tin tức
Từ khóa:
Mục tin:
             Thống kê người dùng
  Đang online:               6
  Số lượt truy cập: 2944731
Tạp chí Đảng Cộng Sản
Tạp chí Xây dựng Đảng
Tạp chí Công sản
Báo Bình Định
Bản quyền thuộc về: ĐẢNG ỦY KHỐI CÁC CƠ QUAN TỈNH BÌNH ĐỊNH .
Địa chỉ: 02A Trần Phú, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
ĐT: 0256. 3811425
Chịu trách nhiệm nội dung: VÕ THỊ THU HÒA - TUV, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Bình Định.