Năm 2022, Cục Thuế tỉnh Bình Định triển khai nhiệm vụ thu ngân sách trong bối cảnh kinh tế - xã hội có nhiều dấu hiệu khởi sắc, tình hình dịch Covid-19 đã được kiểm soát, đời sống và sinh hoạt của người dân duy trì trạng thái bình thường; kinh tế khôi phục và tăng trưởng nhanh. Bám sát vào thực tiễn, Cục Thuế đã đề ra nhiệm vụ trọng tâm là hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế (NNT) phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả; nhờ đó, năm 2022 ngành Thuế tỉnh Bình Định đã thu ngân sách ước đạt 15.480 tỷ đồng (bằng 139% dự toán), hoàn thành vượt mức nhiệm vụ thu ngân sách 11.135 tỷ đồng được HĐND, UBND tỉnh giao phó.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn tặng Bằng khen cho các doanh nghiệp có thành tích xuất sắc nộp thuế năm 2022

 

        Để có kết quả ấn tượng như trên, Cục Thuế đã cụ thể hóa thành 05 nhiệm vụ và 10 nhóm giải pháp trọng tâm thực hiện để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao. Theo đó, ngay từ đầu năm Cục Thuế đã hoàn thiện phương thức quản lý thuế hiện đại - lấy NNT làm trung tâm phục vụ, đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý, tăng cường ứng dụng CNTT vừa hỗ trợ tối đa cho NNT, vừa nâng cao hiệu lực hiệu quả công tác thuế.

 

        Xây dựng phương châm hợp lý, giải pháp có trọng tâm, trọng điểm

 

       Cục Thuế tiếp tục kiên định với mục tiêu: “Lấy người nộp thuế làm trung tâm; tiếp tục tiếp sức cho doanh nghiệp vượt khó để phát triển; mang lại cho doanh nghiệp những điều kiện tốt nhất, lợi ích tối đa nhất trong chấp hành pháp luật thuế”; cùng với phương châm “Tận tâm lắng nghe, tận tình hướng dẫn và tận tụy giải quyết”; liên tục gia tăng hàm lượng Công nghệ thông tin giúp tăng tính hiệu quả, chuyên nghiệp, chuyên sâu và minh bạch trong mọi hoạt động quản lý thuế.

 

       Xây dựng các giải pháp thực hiện có trọng tâm, trong điểm: (1) Nỗ lực trở thành “điểm tựa” cho doanh nghiệp, người dân vượt khó: Tích cực triển khai kịp thời các chính sách thuế, các gói hỗ trợ của Quốc hội, Chính phủ tới tận tay đối tượng thụ hưởng; xử lý hoàn thuế nhanh chóng, đúng quy định để tiếp sức cho doanh nghiệp tăng tích lũy nguồn tài chính duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh. (2) Đổi mới hoạt động Hỗ trợ doanh nghiệp, người dân áp dụng thông suốt tất cả những chính sách mới ban hành; tiếp thu, lắng nghe, tháo gỡ và giải đáp toàn bộ những kiến nghị, vướng mắc, khó khăn mà người nộp thuế (NNT) gặp phải khi áp dụng. Đặc biệt là quan tâm việc hỗ trợ, hướng dẫn đăng ký, sử dụng Hóa đơn điện tử, góp phần tăng tốc “chuyển đổi số” cho doanh nghiệp tỉnh nhà. (3) Thay đổi toàn diện phương pháp quản lý thuế theo hướng mở bằng phương thức công khai trên nền tảng công nghệ để thúc đẩy phản biện của người dân, doanh nghiệp và các cấp, các ngành cho sự tiến bộ trong công tác quản lý thuế. (4) Cập nhật, gia tăng các bài toán nghiệp vụ trên nền tảng dữ liệu Hóa đơn điện tử để tầm soát rộng, tư vấn hẹp đến từng doanh nghiệp theo từng ngành nghề, lĩnh vực giúp doanh nghiệp tự rà soát, điều chỉnh; Đồng thời, đúc kết những thủ đoạn, hành vi gian lận, trốn thuế và cảnh báo bằng văn bản cho từng nhóm NNT có cơ hội sửa sai trước khi thanh tra, kiểm tra xử lý sai phạm; Tăng cường thanh tra tại các doanh nghiệp có hành vi trốn thuế, gian lận hoàn thuế thông qua dàn xếp giao dịch từ các doanh nghiệp liên kết, cũng như từ đối tác cung ứng hàng hóa đầu vào. (5) Số hóa toàn diện công tác quản lý thuế doanh nghiệp và hộ kinh doanh; thúc đẩy tính minh bạch, tính công khai, tính phản biện và gắn chặt trách nhiệm trong quản lý thuế. Theo đó, triển khai xây dựng bản đồ số doanh nghiệp, ứng dụng giao tiếp với NNT trên nền tảng di động và tiếp tục thúc đẩy bản đồ số hộ kinh doanh đảm bảo thiết lập mặt bằng thuế mới cho tất cả các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh. (6) Xây dựng và phát triển đội ngũ công chức thuế “trung trực, liêm chính, chuyên nghiệp, hành động, sáng tạo”; tăng cường kỷ luật, kỷ cương nội ngành, chấn chỉnh, nâng cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt công tác phòng chống tham nhũng, xóa bỏ tệ quan liêu, thờ ơ của công chức trong thực thi công vụ.

 

        Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý thuế

        

        Từ năm 2020, ngành Thuế tập trung điện tử hóa toàn bộ các khâu trong công tác quản lý thuế, tạo nền móng vững chắc cho tiến trình chuyển đổi số. Theo đó, đến cuối năm 2022, Cục Thuế đã bao phủ công nghệ đến tất cả các đối tượng quản lý và các khâu trong công tác quản lý thuế: Từ doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh đến các mỏ khoáng sản, thuê đất, sử dụng đất, sử dụng đất phi nông nghiệp, lệ phí trước bạ đều được quản lý 100% bằng các ứng dụng; Từ khâu đăng ký thuế, xuất hóa đơn, kê khai, nộp thuế đến hoàn thuế đều được thực hiện 100% trên môi trường điện tử; đặc biệt Bình Định là đơn vị tiên phong, dẫn đầu chuyển đổi số trong công tác hỗ trợ NNT. Trong năm 2022, Cục Thuế tập trung số hóa 02 mặt công tác: Thứ nhất, nâng cấp ứng dụng Giám sát hồ sơ khai thuế: Bổ sung, hoàn thiện các bài toán nghiệp vụ giúp khai thác tối đa nguồn thu từ việc nhận diện nghi vấn sai phạm của từng doanh nghiệp. Thứ hai, xây dựng ứng dụng Quản lý Hóa đơn điện tử: Ngay khi có được dữ liệu Hóa đơn điện tử, Cục Thuế đã xây dựng ứng dụng Quản lý hóa đơn điện tử với nhiều phân hệ chức năng để nhận diện các hành vi, thủ đoạn gian lận thuế như: kê khai thiếu doanh thu; sử dụng bất hợp pháp hóa đơn; giao dịch liên kết; dàn xếp giao dịch để hoàn thuế, trốn thuế; gian lận về giá trong hoạt động thương mại;… Đồng thời đây cũng là công cụ giúp cơ quan thuế quản lý sát doanh thu lập bộ, kê khai của các hộ kinh doanh và ngăn chặn trình trạng mua bán, sử dụng hóa đơn điện tử bất hợp pháp. Theo đó, đã phát hiện 08 doanh nghiệp có dấu hiệu sử dụng bất hợp pháp 4.522 hóa đơn với số tiền thuế GTGT là 85,8 tỷ đồng, hiện đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc sang cơ quan công an điều tra, làm rõ.

 

        Nâng cao chất lượng tham mưu cho UBND tỉnh điều tiết công tác thuế toàn diện, hiệu quả

 

        Cục Thuế đã tham mưu UBND tỉnh ban hành và triển khai thực hiện 03 Chỉ thị về công tác thuế: (1) Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 11/5/2022 của UBND tỉnh về việc triển khai ứng dụng eTax Mobile cho cá nhân trên địa bàn tỉnh, triển khai chuỗi giải pháp từ Thư ngỏ, tài liệu, video clip hướng dẫn sử dụng ứng dụng; tổ chức tập huấn, hỗ trợ trực tiếp để hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng thành thạo các chức năng theo dõi, nộp tiền thuế trên ứng dụng; phối hợp với các NHTM đảm bảo việc nộp thuế online được vận hành thông suốt 24/7. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 28.460 NNT đăng ký. (2) Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 04/7/2022 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý thuế hoạt động kinh doanh bất động sản: Cục Thuế đảm bảo tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc “tiền phòng, hậu kiểm” với phương châm 04 không: Không trả hồ sơ đã đúng quy định, không điện thoại, không thông báo giải trình và không cảnh báo dưới mọi hình thức.  (3) Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 04/7/2022 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý thuế hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản: xây dựng Bản đồ số mỏ khoáng sản để công khai thông tin DN theo vị trí mỏ; cập nhật dữ liệu và sử dụng ứng dụng CNTT cùng với dữ liệu khai thuế, hóa đơn điện tử để quản lý tổng hợp các khoản thu, sắc thuế liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản.

 

        Vận hành hệ sinh thái ứng dụng để trợ giúp NNT tự giác chấp hành pháp luật thuế và khai thác hiệu quả dư địa thu ở các lĩnh vực

 

        Ngành thuế đã thay đổi phương thức quản lý thuế theo hướng hiện đại, văn minh bằng việc vận hành mô hình “Phục vụ NNT” với 05 trụ cột chính: Hỗ trợ, cảnh báo, công khai, đối thoại và thanh tra, kiểm tra trên nền tảng của một hệ sinh thái ứng dụng CNTT hỗ trợ. Mô hình này tạo nên một giá trị văn hóa mới ở cơ quan thuế mà ở đó quyền và lợi ích hợp pháp của NNT được bảo vệ tối đa, tính tự giác, tự nguyện được đề cao và các chế tài trừng phạt chỉ áp dụng nhằm đảm bảo thượng tôn pháp luật. Toàn ngành thay việc “Truy tìm - Trừng phạt” sang “Tầm soát - Tư vấn” thông qua các hình thức hỗ trợ, công khai rộng rãi các lỗi sai phạm và cảnh báo rủi ro vi phạm cho từng doanh nghiệp tự rà soát, điều chỉnh, sửa sai.

 

        Xây dựng đội ngũ công chức “vừa hồng, vừa chuyên”

 

        Cục Thuế đặc biệt quan tâm đến công tác tổ chức cán bộ; cụ thể là việc xây dựng đội ngũ công chức thuế thật sự “trung trực, liêm chính, chuyên nghiệp, hành động, sáng tạo”, trong đó tập trung hướng vào đội ngũ công chức trẻ để tạo ra lớp kế thừa, phát huy và lan tỏa những giá trị tốt đẹp mà ngành thuế đã dày công vun đắp trong nhiều năm qua. Bằng việc xây dựng và phổ biến thành công 02 chuyên đề về các giải pháp nâng tầm công chức, công chức lãnh đạo theo 04 Trụ cột: Đạo đức, Trí tuệ, Nghị lực và Kỹ năng đã tạo được hiệu ứng chuyển biến về nhận thức rất lớn trong đại bộ phận công chức, đặc biệt là lớp công chức trẻ.

 

        Hoàn thành vượt mức chỉ tiêu thu ngân sách được giao

 

        Nhờ thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp như trên, năm 2022 ngành Thuế tỉnh Bình Định tổng thu nội địa ước đạt 15.480 tỷ đồng, bằng 139% dự toán, tăng 17,3% cùng kỳ (trừ tiền sử dụng đất thu được 8.536 tỷ đồng, đạt 119,6% dự toán, tăng 17,4% cùng kỳ). Có 15/17 khoản thu hoàn thành vượt dự toán; có 02/17 khoản thu không hoàn thành dự toán do ảnh hưởng bởi tác động của cơ chế, chính sách và kinh tế (thu từ khu vực đầu tư nước ngoài và thuế bảo vệ môi trường). Có 07/17 khoản thu, sắc thuế tăng trưởng thu so với cùng kỳ (thuế TNCN tăng 141%, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp tăng 41,8%, Lệ phí trước bạ tăng 31,3%, tiền sử dụng đất tăng 17,2% và Thu từ khu vực CTN-NQD tăng 9,3%).

 

Đồng chí Nguyễn Đẩu, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh triển khai nhiệm vụ năm 2023 cho ngành Thuế

 

        Triển khai các nhiệm vụ trọng tâm để đạt kết quả tốt nhất trong thu ngân sách nhà nước năm 2023.

 

        Những kết quả đạt được năm 2022 của ngành Thuế tỉnh là quan trọng để Cục Thuế tỉnh Bình Định nỗ lực thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2023 mà Bộ Tài Chính giao là 10.629 tỷ đồng; tổng thu trừ tiền sử dụng đất là 7.059 tỷ đồng, trong đó khu vực CTN-NQD là 2.650 tỷ đồng. Theo đó, Cục Thuế tỉnh đã đề ra 4 nhiệm vụ trọng tâm và 10 nhóm giải pháp chủ yếu. 4 nhiệm vụ trọng tâm thúc đẩy công tác quản lý thuế: Thứ nhất, xây dựng và phát triển đội ngũ công chức thuế “Đoàn kết, Sáng Tạo, Kỷ cương, Nêu gương, Bứt phá”; Thứ hai, chuyển đổi số đồng bộ các chức năng, “bít” tối đa các lỗ hổng trong công tác quản lý, đặc biệt là công tác giám sát hóa đơn điện tử; Thứ ba, lành mạnh hóa các giao dịch kinh tế trên thị trường, góp phần thiết lập môi trường đầu tư, kinh doanh, cạnh tranh công bằng, bình đẳng, đảm bảo đúng quy định pháp luật giữa các thành phần kinh tế; Thứ tư, thay đổi toàn diện phương thức quản lý, khai thác hiệu quả dư địa tăng thu ở các lĩnh vực còn tiềm năng.


Bảo Giang  (Cập nhật ngày 20-12-2022)    



Các tin liên quan:
  Đảng ủy Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Định kiểm điểm tự phê bình và phê bình công tác năm 2022. (20-12-2022)
  Đảng uỷ Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh tổ chức Tọa đàm về Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (16-11-2022)
  Đảng bộ Sở Nội vụ đẩy mạnh cải cách hành chính góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao (08-11-2022)
  BCH Đảng bộ Viện KSND tỉnh Bình Định tổ chức Hội nghị mở rộng nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng tháng 10/2022 (28-10-2022)
  Kết quả đại hội chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở thuộc Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh Bình Định nhiệm kỳ 2022 - 2025 (19-10-2022)
       Thông báo
       Hình ảnh hoạt động
         Tìm kiếm tin tức
Từ khóa:
Mục tin:
             Thống kê người dùng
  Đang online:               11
  Số lượt truy cập: 2944593
Tạp chí Đảng Cộng Sản
Tạp chí Xây dựng Đảng
Tạp chí Công sản
Báo Bình Định
Bản quyền thuộc về: ĐẢNG ỦY KHỐI CÁC CƠ QUAN TỈNH BÌNH ĐỊNH .
Địa chỉ: 02A Trần Phú, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
ĐT: 0256. 3811425
Chịu trách nhiệm nội dung: VÕ THỊ THU HÒA - TUV, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Bình Định.